Trong suốt thời gian nắm quyền có khoảng 16.000 người dân Campuchia vô tội bị bọn Pol Pot đưa vào nhà tù này để tra tấn và giết hại. Mãi đến ngày 7/1/1979, quân tình nguyện Việt Nam vào giải phóng thủ đô Phnom Penh đã cứu được một số người còn sống sót tại nhà tù này.

chum_may_vov_dhbf.jpg
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Chum May.

Nhân kỷ niệm lần thứ 38 năm ngày giải phóng thủ đô Phnom Penh (7/1/1979 - 7/1/2017), phóng viên VOV tại Campuchia đã phỏng vấn ông Chum May, một trong 2 tù nhân tại nhà tù S21 còn sống sót đến ngày hôm nay.

PV: Ông có thể kể lại những ngày trước khi bị bắt và đưa vào nhà tù S21, ông sống ở đâu và làm nghề gì?

Ông Chum May: Trước chế độ Pol Pot tôi làm nghề sửa xe cơ giới, sửa máy may và sửa máy đánh chữ tại thủ đô Phnom Penh. Giai đoạn Pol Pot lên nắm quyền, khi biết tôi làm nghề này, Pol Pot tiếp tục giao cho tôi làm nghề sửa xe cơ giới và sửa máy may trong một xưởng may của chế độ Pol Pot tại chợ Ô Xây.  

PV: Tại sao sau đó ông lại bị bắt?

Ông Chum May: Trong suốt thời gian làm nghề sửa máy may trong xưởng may của Pol Pot, tôi thấy rất nhiều nhân viên trong xưởng may của tôi bị Pol Pot bắt đi không thấy trở về và cũng không biết bắt vì lý do gì. Sau đó cũng đến lượt tôi bị bắt.

Ngày tôi bị bắt, quân Pol Pot nói rằng chuyển công tác tôi đi làm việc ở một nơi khác, nhưng không ngờ chúng chuyển tôi vào nhà tù S21 ở phòng 022. Khi đến nhà tù này, chúng buộc tội tôi là người làm tình báo cho Mỹ và bắt đầu lấy lời khai.

Chúng bắt tôi phải khai ra nhóm của tôi có bao nhiêu người. Nếu tôi trả lời không biết, chúng tra tấn cho điện giật, nhổ móng tay, không cho ăn cơm... Những bạn tù của tôi cũng bị chúng tra tấn như vậy.

Chúng giết và chôn tù nhân trước mặt tôi để tra tấn tinh thần buộc tôi phải khai ra nhóm của tôi, nhưng tôi không phải là tình báo Mỹ nên cũng không thể khai được gì. Tôi nghĩ rằng cái chết sẽ đến với tôi trong nhà tù này.

Nhà tù S21 nay đã trở thành bảo tàng phục vụ khách du lịch đến tham quan.

PV: Ông có thể kể lại đôi nét về ngày 7/1/1979, khi quân đội Việt Nam tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Penh và giải cứu các tù nhân trong nhà tù S21?

Ông Chum May: Sáng 7/1 trong nhà tù S21 tôi nghe tiếng xe tăng chạy ở phía ngoài, tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Lúc đó các tù nhân chúng tôi còn sống trong nhà tù này có tổng cộng 18 người được lính cai ngục cho vào một phòng. Chúng chuẩn bị sẵn lựu đạn trên tay, nếu quân tình nguyện Việt Nam  vào nhà tù này thì  chúng sẽ ném lựu đạn vào phòng để giết tất cả chúng tôi.

Tuy nhiên, quân tình nguyện Việt Nam không vào mà chỉ đi qua nhà tù. Sau đó chúng lôi 14 trong số 18 người chúng tôi ra cắt cổ từng người, chúng không dám bắn vì sợ quân tình nguyện Việt Nam nghe được.

Bọn cai ngục đưa 4 người còn sống ra khỏi thủ đô Phnompenh. Trên đường đi chúng gặp quân tình nguyện Việt Nam. Chúng đã nổ súng bắn nhau với quân tình nguyện Việt Nam và bị chết rất nhiều tại đây. Đến tối, các tù nhân chúng tôi được bọn lính cai ngục đưa vào 1 nơi bí mật để giết, chúng bắn từng người. Trong lúc chúng bắn những người khác, tôi đã trốn được và sống đến ngày hôm nay.

PV: Ngày 7/1/2017, nhân dân Campuchia sẽ tổ chức mittinh chào mừng ngày lật đổ chế độ Pol Pot, ông có cảm nghĩ gì?

Ông Chum May: Cứ đến ngày 7/1 hàng năm tôi đều nhớ lại ngày 7/1/1979, ngày quân tình nguyện Việt Nam giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.

Ngày 7/1 là ngày sinh lần thứ 2 của nhân dân Campuchia, nếu không có ngày này, tôi đã chết rồi và không có cơ hội để được gặp phóng viên VOV. Qua VOV, tôi xin gửi lời cám ơn chân thành đến các mẹ, các chị và các em gái đã chấp nhận hy sinh chồng, con và anh, em trai để cứu chúng tôi sống như ngày hôm nay./.