Cùng với đó là nhiều dấu hiệu khó khăn của nền kinh tế như thu hút đầu tư nước ngoài giảm, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng gia công giảm, thị trường bất động sản ảm đạm...

Những thông tin trên được Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra trong cuộc họp báo ngày 18/11 thông báo về tình hình vận hành nền kinh tế nước này từ đầu năm đến tháng 10 vừa qua.

tq_gohf.jpgBức tranh kinh tế Trung Quốc đang khá ảm đạm (Ảnh CNN)

Phát biểu trong cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Thẩm Đơn Dương cho biết, trong 10 tháng đầu năm, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài trên thực tế giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đầu tư của các đối tác chủ chốt như Mỹ, Nhật Bản và EU vào Trung Quốc đều giảm mạnh, lần lượt giảm với các mức 42,9%, 23,8% và 16,2%.

Kim ngạch xuất nhập khẩu mậu dịch gia công của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 10, giá cả các mặt hàng chủ yếu như dầu thô, khoáng sản cũng sụt giảm, thị trường bất động sản ảm đạm do giá nhà đất tại 70 thành phố vừa và nhỏ trên toàn Trung Quốc giảm tới 2,6%.

Hàng loạt các yếu tố trên đẩy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đối mặt với áp lực giảm tăng trưởng ngày càng lớn. Động lực lớn nhất thúc đẩy kinh tế nước này tăng trưởng là lưu thông hàng hoá nội địa và tiêu thụ trong nước.

Theo ông Thẩm Đơn Dương, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng nhu cầu trong nước và thúc đẩy lưu thông hàng hoá trong nội địa.

“Sự phát triển của lưu thông hàng hoá nội địa đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Năm 2013, tiêu dùng đóng góp tới 50% sự phát triển của nền kinh tế. Vì vậy, thời gian tới, Trung Quốc sẽ áp dụng nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hoá trong nội địa, mở rộng nhu cầu trong nước, làm động lực thúc đẩy kinh tế phát triển”, ông Thẩm tuyên bố.

Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, kinh tế nước này trong quý 3 năm 2014 tăng trưởng ở mức 7,3%, là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Các chuyên gia dự báo, kinh tế Trung Quốc sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% mà nước này đặt ra cho cả năm 2014./.