Theo kế hoạch, hôm nay (7/9), hội nghị thượng đỉnh 3 bên giữa Nga – Iran – Thổ Nhĩ Kỳ sẽ diễn ra tại thủ đô Tehran của Iran, nhằm bàn về vấn đề Syria với tâm điểm là tình hình chiến sự tại khu vực Idlib, phía Tây Bắc quốc gia này.
Tương lai Idlib sẽ rõ ràng khi cuộc gặp thượng đỉnh này kết thúc – đó là tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Vậy kịch bản nào cho số phận Idlib được thế giới trông đợi nhất?
Với diện tích 6.000km2, nơi có tới 3 triệu người dân sinh sống, tỉnh Idlib chính là thành trì cuối cùng của lực lượng nổi dậy và các phe nhóm khủng bố tại Syria. Theo số liệu thống kê được hãng tin Al Jazeera trích dẫn, tại Idlib đang có khoảng 60.000 tay súng đối lập chống chính phủ được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, kiểm soát khoảng 40% diện tích; và 12.000 tay súng khủng bố thuộc nhóm Hay’et Tahrir Al-Sham, tiền thân là Mặt trận Al Nusra, có gốc rễ từ mạng lưới khủng Al Qaeda đang kiểm soát phần diện tích còn lại.
Trong bối cảnh đang trên đà thắng lợi tại nhiều mặt trận, cùng với mục tiêu giải phóng hoàn toàn đất nước, chính phủ Syria đang coi việc giải phóng Idlib là nhiệm vụ hàng đầu. Nhằm tránh một cuộc đổ máu, chính phủ Syria đã thả tờ rơi, kêu gọi các tay súng quy hàng chính phủ từ nhiều tuần qua. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, Idlib không đơn giản như Đông Ghouta hay khu vực Deraa khi mà các tay súng khủng bố tại đây không dễ gì từ bỏ cứ điểm quan trọng cuối cùng này.
Hiện chính phủ Syria đã sẵn sàng để khởi động một chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm vào khu vực Idlib, theo từng giai đoạn. Theo nhiều nguồn tin khu vực, hôm qua (6/9), một đoàn xe tải lớn thuộc Sư đoàn vũ trang số 1 của quân đội Syria đã chở nhiều khí tài quân sự hiện đại cùng hơn 1.000 binh sĩ tiến về tỉnh Idlib để tăng cường sức mạnh tối đa cho lực lượng ở đây. Tuy nhiên, từ nhiều tuần nay, Liên Hợp Quốc đã lên tiếng quan ngại rằng một chiến dịch như vậy sẽ khiến khoảng 2,5 triệu người Idlib phải di tản về phía biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, gây ra một thảm họa nhân đạo lớn.
Chính vì vậy, Nga, Iran - những đồng minh của chính phủ Syria đã cùng với Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia hậu thuẫn cho phe đối lập đang nỗ lực hết sức để ngăn một trận chiến đẫm máu có thể xảy ra tại Idlib. Đây cũng là kỳ vọng của Liên Hợp Quốc về hội nghị thượng đỉnh 3 bên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan diễn ra trong ngày hôm nay (7/9).
Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran thảo luận về trận tử chiến Idlib, Syria
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Staffan De Mistura cho biết: “Chúng ta đều đang hi vọng và tiếp tục kêu gọi các bên tránh một trận chiến tại Idlib. Đó là quan điểm không thể thay đổi. Chúng ta nên dành nhiều thời gian hơn cho các cuộc đàm phán, đặc biệt là giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - những bên liên quan gián tiếp chính vào thời điểm hiện tại. Chúng tôi hi vọng Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sẽ thảo luận để tìm ra một giải pháp mền cho vấn đề này”.
Là một trong những quốc gia ủng hộ chính phủ Syria, đồng thời là nước chủ nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh 3 bên Nga – Iran – Thổ Nhĩ Kỳ, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani hôm qua (6/9) đã bày tỏ hi vọng sẽ có một thỏa thuận cuối cùng với những điều khoản mà tất cả các bên có thể chấp nhận được, sẽ đạt được khi hội nghị thượng đỉnh hôm nay kết thúc.
Hiện có 3 kịch bản có khả năng xảy ra sau cuộc gặp thượng đỉnh này.
Một là, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chấp nhận cùng lực lượng đối lập Syria mà họ đang hậu thuẫn, tấn công quét sạch các tay súng khủng bố nhóm Hay’et Tahrir Al-Sham tại Idlib, sau đó tiến hành đàm phán hòa bình với chính phủ Syria.
Hai là, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chấp nhận cho quân đội chính phủ Syria và không quân Nga vào Idlib tấn công nhóm Hay’et Tahrir Al-Sham mà không được động tới phe đối lập. Quá trình đàm phán hòa bình giữa chính phủ và lực lượng đối lập Syria sẽ diễn ra sau khi cuộc chiến chống khủng bố tại đây kết thúc. Đây là một kịch bản đang được mong đợi nhất, với việc tránh được tối đa con số thương vong trong khi lợi ích của các bên liên quan không bị ảnh hưởng.
Kịch bản thứ 3 nguy hiểm nhất, không được mong đợi nhất chính là một cuộc chiến toàn diện nhằm vào Idlib khi mà thượng đỉnh 3 bên Nga – Iran – Thổ Nhĩ Kỳ không đạt được thỏa thuận.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho rằng, một cuộc tấn công như vậy sẽ là hành động “đóng chiếc đinh cuối cùng vào chiếc quan tài” cho tiến trình đàm phán hòa bình về Syria tại Astana, Kazakhstan do 3 quốc gia này bảo trợ. Đây cũng là điều mà Nga, Iran và chính phủ Syria không mong muốn bởi nó sẽ là cái cớ để các nước phương Tây can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến vốn sắp kết thúc này./.