Chính phủ Syria đang trên bờ vực của một cuộc giao tranh đẫm máu để giành quyền kiểm soát khu vực rộng lớn cuối cùng từ tay lực lượng nổi dậy: Idlib. Nếu lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad thành công trong chiến dịch này, đây sẽ là chiến thắng cho chế độ ông Assad sau hơn 7 năm nội chiến.

a1_upsv.jpg
Các binh lính của Nga và Syria đứng canh gác gần những tấm poster của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Abu Duhur, phía bắc tỉnh Idlib ngày 20/8/2018. Ảnh: AFP

Hiện các chuyên gia đang lo ngại các chiến dịch quân sự ở tỉnh tây bắc Syria này có thể gây nên một thảm họa nhân đạo khủng khiếp. Gần 3 triệu người sống ở Idlib, trong đó hơn một nửa trong số họ phải rời bỏ nhà cửa để sơ tán đến những nơi khác trong nước do chiến tranh. Ngoài dân thường, còn có lực lượng nổi dậy và một tổ chức khủng bố đang chiếm ưu thế ở Idlib.

Vì sao Tổng thống Assad muốn tấn công Idlib?

Theo các chuyên gia, lý do mà ông Assad muốn tiến hành một cuộc tấn công quân sự trên quy mô lớn là bởi ông hy vọng sẽ đánh bại các nhóm nổi dậy trước khi chúng hợp nhất quyền lực ở Idlib.

"Idlib là lãnh thổ duy nhất còn lại nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ và có khả năng giành lại được mà không cần bắt đầu một cuộc chiến tranh liên vùng", Faysal Itani - một chuyên gia về Syria tại Hội đồng Đại Tây Dương tại Washington nhận định.

Lực lượng quân đội của ông Assad đã bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc tấn công với việc điều động hàng nghìn binh lính, các xe bọc thép và trực thăng tới gần tỉnh Idlib trong những tuần qua. Nga, lực lượng ủng hộ chính của ông Assad đã triển khai các tàu mang tên lửa và nhiều chiến đấu cơ trên biển Địa Trung Hải, nhằm ngăn chặn sự can thiệp của phương Tây. Cộng đồng quốc tế đang lo ngại về việc chiến binh ở Idlib có thể sẽ sử dụng tới vũ khí hóa học.

Ngày 29/8, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã gọi lực lượng chống chính phủ tại Idlib là "những kẻ khủng bố" và là một "ung nhọt" cần được loại bỏ. Một trong những lực lượng chiếm ưu thế lớn nhất ở Idlib là nhóm khủng bố  Hay’et Tahrir al-Sham - một liên minh thánh chiến có liên hệ với tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thể hiện sự lo ngại ngày 3/9 khi đưa ra cảnh báo rằng một cuộc tấn công ở Idlib có thể khiến "hàng trăm nghìn người thiệt mạng".

Câu hỏi đặt ra hiện nay là các quốc gia liên quan đến cuộc xung đột Syria - chủ yếu là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ- liệu có thể làm bất cứ điều gì để ngăn chặn một cuộc tấn công hay không. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng điều này là không thể. "Không ai thực sự có khả năng ngăn chặn trực tiếp chính phủ Syria thực hiện những điều họ đang lên kế hoạch". Shanna Kirschner, một chuyên gia về Syria tại trường Allegheny College chia sẻ.

Điều này nghĩa là Syria có thể sẽ lại chứng kiến một thảm họa nhân đạo khi ông Assad quyết tâm loại bỏ các nhóm nổi dậy để giành chiến thắng trong cuộc chiến này.

Chính phủ Syria sẽ tiếp tục sử dụng chiến lược “vây khốn và buộc quy hàng”?

Cuộc nội chiến ở Syria xảy ra từ năm 2011 với phe chính phủ được Nga và Iran ủng hộ, chiến đấu với các nhóm nổi dậy chống chính phủ do Thổ Nhĩ Kỳ và một số lực lượng khác hậu thuẫn. Theo ước tính từ năm 2016, con số thương vong ở Syria trong cuộc nội chiến này là 400.000 người nhưng hiện nay con số chắc chắn cao hơn nhiều, đặc biệt khi cuộc chiến này ngày càng dữ dội trong hơn 2 năm qua.

Thực tế thì tấn công Idlib không phải là chiến dịch đầu tiên chống lại phe nổi dậy trong năm nay của chính quyền ông Assad. Vào tháng 2/2018, lực lượng của chính phủ Syria đã tấn công và giành lại được Đông Ghouta, vùng ngoại ô của thủ đô Damacus.

Chính phủ Syria đã giành quyền kiểm soát lãnh thổ này bằng cách sử dụng một chiến lược từng được vận dụng trong nhiều cuộc chiến. "Chế độ ông Assad đã sử dụng chiến lược "vây khốn và buộc quy hàng" trong nhiều năm", Jennifer Cafarella - một chuyên gia về Syria tại viện Nghiên cứu Chiến tranh chia sẻ với trang Vox về cuộc chiến ở Đông Ghouta.

Chiến lược "vây khốn và buộc quy hàng" của chính quyền ông Assad thực sự hiệu quả khi phe nổi dậy không có thức ăn, thuốc uống sẽ nhanh chóng mất đi tinh thần và khả năng chiến đấu, còn dân thường trong các khu vực bị vây hãm thường hợp tác với chính phủ để sống sót.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ liệu có ngăn chặn được cuộc tấn công Idlib của ông Assad?

Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều không muốn Idlib trở thành một thảm họa nhân đạo tiếp theo.

Các chuyên gia nhận định, Moscow không muốn cuộc chiến ở tây bắc Syria trở thành một chiến dịch dài kỳ. Còn Ankara không muốn mạo hiểm khi ngày càng có nhiều người Syria tràn sang vùng biên giới phía bắc trong khi nước này đã tiếp nhận 3,5 triệu người tị nạn.

Chính điều này đã khiến Nga ủng hộ chính quyền ông Assad và Thổ Nhĩ Kỳ vốn hậu thuẫn phe nổi dậy chống chính quyền cùng nhìn về một phía trong cuộc xung đột. Các nhà phân tích nhận định rằng cả hai quốc gia sẽ cố gắng đưa ra một thỏa thuận để đưa dân thường sơ tán trước khi cuộc giao tranh căng thẳng diễn ra.

Cách giải quyết này có thể làm giảm bớt hậu quả của một thảm họa nhân đạo nếu chiến tranh xảy ra nhưng hiện vẫn chưa rõ dân thường ở Idlib sẽ đi đâu và ai là người dẫn họ rời khỏi đây.

Theo một số chuyên gia, Nga, Iran và các lực lượng ủng hộ chính phủ Syria có thể ngăn ông Assad tấn công bằng cách dừng mọi sự hỗ trợ cho lực lượng này. "Ông Assad không thể thực hiện cuộc tấn công này một mình", ông Itani của Hội đồng Đại Tây Dương nhận định, giải thích thêm bởi vì chính quyền ông Assad đã tiêu hao lực lượng sau nhiều năm chiến đấu. Tuy nhiên, theo những phát ngôn của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov và sự ủng hộ từ trước đến giờ của Moscow với chính phủ Syria, Kremlin có thể vẫn sẽ "sát cánh" cùng ông Assad trong trận chiến ở Idlib.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại muốn lực lượng Syria ở Idlib đánh bại nhóm khủng bố tại đây và đàm phán một thỏa thuận với chính phủ Syria. Điều này có thể khiến Idlib về tay ông Assad với ít giao tranh hơn.

Về phía Mỹ, Washington hầu như không có ảnh hưởng gì trong vấn đề này. Mỹ có khoảng 2.000 binh lính ở Syria nhưng không đóng quân ở vùng phía tây của quốc gia này hay khu vực mà chính phủ kiểm soát. Thêm vào đó, sự hiện diên của quân đội Mỹ ở Syria và Iraq là để chiến đấu với ISIS chứ không phải tham gia vào cuộc nội chiến Syria. Hiện quân đội Mỹ dành hầu hết thời gian để hợp tác với lực lượng người Kurd nhằm đánh bại ISIS tại Syria.

Tóm lại, dù lo ngại về một thảm họa nhân đạo nhưng có lẽ cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều sẽ không ngăn chặn cuộc tấn công vào Idlib. Các nhà lãnh đạo của hai quốc gia này cùng với Iran sẽ gặp nhau tại Astana, Kazakhstan ngày 7/9 tới để thảo luận về cuộc xung đột. Có thể các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về một thỏa thuận nhân đạo trước khi cuộc tấn công diễn ra. Còn nếu như không có thỏa thuận nào được đưa ra, cuộc sống của hàng triệu người ở Idlib sẽ ở trong tình cảnh "ngàn cân treo sợi tóc".

Người dân Idlib sẽ ra sao nếu chiến tranh xảy ra?

Cuộc chiến ở Idlib có thể khiến người dân ở đây phải trải qua một thảm họa nhân đạo tồi tệ khi họ hầu như không thể tiếp cận các nhu cầu cơ bản như thức ăn, nước uống và chăm sóc y tế. Chính phủ cũng không cung cấp điện cho tỉnh này nên hàng triệu người phải dựa vào các máy phát điện. Nhưng nếu chiến tranh xảy ra, các máy phát điện cũng khó mà vận hành được và người dân cũng gặp khó khăn hơn khi tiếp cận với các dịch vụ khác.

Vấn đề sẽ ngày càng tồi tệ hơn khi người dân ở Idlib thậm chí không thể sơ tán đến nơi an toàn hơn. Biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc đã đóng lại còn chính quyền Tổng thống Assad kiểm soát các vùng lãnh thổ ở phía đông, nam và tây. Cách duy nhất để họ rời khỏi đây là khi Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có thể tiến hành một thỏa thuận và tạo một hành lang nhân đạo cho dân thường sơ tán khỏi Idlib./.