Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này không chỉ đẩy quan hệ Nga và phương Tây xuống mức thấp nhất, mà còn đang trở thành thách thức lớn nhất trong mối quan hệ hợp tác an ninh giữa Mỹ và châu Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh. 

Tuần này, các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liên tục đi lại giữa Italy, Pháp và Bỉ nhằm thúc đẩy một giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine. 

kerry_zlgf.jpgTừ trái sang phải, Ngoại trưởng các nước Đức, Pháp, Mỹ và Anh họp bàn về tình hình Ukraine tại Italy (Ảnh Reuters)

Sau các cuộc gặp trực tiếp, ngày 16/12, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lần lượt điện đàm với các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine để thảo luận thêm về các cuộc đàm phán đang diễn ra liên quan tới việc thực thi thỏa thuận hòa bình đạt được tại Minsk ngày 5/9 vừa qua. 

Tại cuộc điện đàm, Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Đức Merkel một lần nữa hối thúc Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin “tận dụng thời gian và thúc đẩy các nỗ lực” nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine. 

Pháp và Đức cũng yêu cầu những kết quả cụ thể trong các cuộc đàm phán về một lệnh ngừng bắn thực tế và bền vững, cũng như vấn đề trao trả tù nhân và cải thiện tình hình nhân đạo tại những vùng lãnh thổ hiện do lực lượng đối lập kiểm soát. 

Cùng với các nỗ lực của châu Âu, những ngày qua Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có các chuyến đi con thoi tới Italy và Pháp nhằm thúc đẩy giải pháp cho cuộc khủng hoảng. 

Trong một phát biểu ngày 16/12, Ngoại trưởng Mỹ Kerry cho rằng Nga đã có những động thái mang tính xây dựng hướng tới xoa dịu căng thẳng tại Ukraine. 

Theo ông Kerry, Mỹ và châu Âu sẵn sàng nới lỏng các lệnh trừng phạt áp đặt với Nga trong năm nay, tùy thuộc vào sự lựa chọn của Tổng thống Putin.

"Tôi xin nói rằng Nga đã có những động thái mang tính xây dựng trong những ngày qua. Có một số dấu hiệu cho thấy đó có thể là đàm phán về ranh giới kiểm soát, hoặc tình hình ổn định tại một số khu vực, hay việc rút đi của một số người cụ thể... đã có những dấu hiệu về các lựa chọn mang tính xây dựng. Điều đó chắc chắn rất hữu ích", ông Kerry nói. 

Tuy nhiên, cùng với những bước đi phối hợp này, ngày 16/12 cũng chứng kiến những động thái ngược chiều giữa Mỹ và châu Âu.

Chính phủ Mỹ mới đây cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obame dự kiến vào cuối tuần này sẽ ký dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga nhằm “đảm bảo” tính linh động, dù có thể sẽ phát đi “một thông điệp khó hiểu” đối với các đồng minh. 

Đây là một quyết định khá bất ngờ, bởi trước đó chỉ vài giờ ông Obama tuyên bố vẫn chưa biết nên phản ứng thế nào với dự luật này và ông cũng không dưới 1 lần khẳng định, sẽ là phản tác dụng nếu Mỹ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với Nga mà không phối hợp với Liên minh châu Âu. Bởi  nếu châu Âu và Mỹ chia rẽ thì đây sẽ là một chiến thắng chiến lược đối với Tổng thống Putin. 

Hiện châu Âu vẫn chưa đưa ra phản ứng về quyết định của Tổng thống Obama, song rõ ràng, "cuộc khủng hoảng Ukraine không chỉ đẩy quan hệ Nga và phương Tây xuống mức thấp nhất, mà còn đang trở thành thách thức lớn nhất trong mối quan hệ hợp tác an ninh giữa Mỹ và châu Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh. 

Điều này càng khiến cơ hội giải quyết khủng hoảng Ukraine trở nên mong manh hơn bao giờ hết, bởi khả năng đạt được một giải pháp ngoại giao vừa chấm dứt khủng hoảng Ukraine vừa có lợi cho cả Ukraine, Nga, Mỹ và châu Âu hoàn toàn là điều không tưởng./.