Ngày 28/4, ông Abhisit Vejjajiva, Chủ tịch Đảng Dân chủ đối lập có cuộc gặp Đại tướng Thanasak Patimaprakorn, Tư lệnh Quân đội Thái Lan để thảo luận về giải pháp thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này.

Đây là một phần trong kế hoạch của Chủ tịch Đảng Dân chủ Abhisit nhằm vận động các phe phái ở Thái Lan chấp nhận một giải pháp hòa bình do ông đưa ra.

abisit_copy.jpg
Chủ tịch Đảng Dân chủ đối lập Abhisit Vejjajiva (Ảnh AP)

Dư luận chính giới và xã hội Thái Lan hoan nghênh động thái tích cực thúc đẩy đàm phán này, song cũng có không ít ý kiến nghi ngờ về tính khả thi của giải pháp.

Chủ tịch Đảng Dân chủ Abhisit đã gặp một số nhà lãnh đạo các đảng phái, Ủy ban bầu cử và Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra để thảo luận về giải pháp nêu trên.

Mặc dù chưa công bố toàn bộ nội dung giải pháp thoát khỏi khủng hoảng, song trong những phát biểu mới nhất của mình, ông Abhisit đã nhấn mạnh, Thái Lan cần phải giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay bằng các biện pháp cải cách theo khuôn khổ Hiến pháp, nguyên tắc dân chủ, trong đó bầu cử là một phần của cải cách và “không thể bầu cử trước cải cách”.

Đồng thời, ông Abhisit cũng thừa nhận không thể cải cách toàn bộ trước bầu cử trong bối cảnh bất ổn chính trị hiện nay.

Đề nghị thảo luận về giải pháp hòa bình giải quyết khủng hoảng của Chủ tịch Đảng Dân chủ Abhisit đã nhận được phản ứng tương đối tích cực của các phe phái ở Thái Lan.

Đặc biệt, Thủ tướng tạm quyền Yingluck và một số nhà lãnh đạo Đảng Vì nước Thái cầm quyền đã tỏ ý hoan nghênh và sẵn sàng thảo luận với ông Abhisit về vấn đề này; coi đây là cơ hội để đạt được những điểm tương đồng giữa các phe phái, nhất là trong vấn đề thúc đẩy tiến trình bầu cử Hạ viện mới.

Cuộc thăm dò dư luận vừa công bố ngày 27/4 của Viện nghiên cứu Dusit cũng cho thấy, đa số người dân Thái Lan muốn các phe phái thỏa hiệp, nhân nhượng lẫn nhau cùng hợp tác tìm biện pháp giải quyết khủng hoảng chính trị, vì lợi ích của đất nước.

Tuy nhiên, dư luận chính giới và xã hội Thái Lan vẫn còn không ít băn khoăn, nghi ngại về tính khả thi và kết quả của việc đàm phán giữa Chủ tịch Đảng Dân chủ Abhisit với các phe phái, nhất là trong bối cảnh nhà lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban vẫn tiến hành huy động người để chuẩn bị đại biểu tình nhằm lật đổ Chính phủ tạm quyền và tuyên bố tiếp tục ngăn cản bầu cử Hạ viện.

Ban lãnh đạo Đảng Vì nước Thái cho rằng, nếu Chủ tịch Đảng Dân chủ Abhisit thực tâm tìm lối thoát cho khủng hoảng chính trị, thì trước tiên ông ta cần thảo luận trực tiếp với nhà lãnh đạo biểu tình Suthep; đồng thời tuyên bố Đảng Dân chủ sẽ tham gia bầu cử Hạ viện.

Các động thái trên chính trường Thái Lan hiện nay cho thấy, xu hướng đàm phán hòa bình nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đã có có sự tiến triển khả quan hơn; song đàm phán sẽ khó đạt được kết quả thực chất trong thời gian ngắn, khi mà phe đối lập vẫn giữ lập trường "không thể bầu cử trước cải cách".

Đồng thời, tiến trình đàm phán giữa phe Chính phủ và phe đối lập còn phụ thuộc nhiều vào việc Tòa án Hiến pháp Thái Lan sẽ ra phán quyết về số phận chính trị của Thủ tướng Yingluck và Chính phủ tạm quyền trong khoảng nửa đầu tháng 5 tới.

Nếu Tòa án Hiến pháp phán quyết bãi nhiệm cả Thủ tướng Yingluck và Chính phủ tạm quyền, thì đàm phán có thể bất thành và có nguy cơ cao xảy ra đối đầu bạo lực giữa lực lượng biểu tình ủng hộ Chính phủ và lực lượng biểu tình phe đối lập.

Do đó, trong ngày 28/4, Trung tâm chỉ huy bảo vệ trị an Thái Lan đã đệ trình Nội các tạm quyền nước này cho gia hạn áp dụng Luật an ninh nội địa ở khu vực Thủ đô Bangkok thêm 61 ngày, kể từ ngày 1/5-30/6 để có thể kiểm soát được tình hình an ninh trật tự./.