Ngày 29/1, tình hình tại Ai Cập đã có chút lắng dịu khi chỉ xảy ra một số vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình làm 3 người thiệt mạng. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, tình hình bạo động tại Ai Cập có thể bùng phát bất cứ lúc nào khi gốc rễ của những xung đột tại Ai Cập chưa được giải quyết triệt để. Đây chính là nguyên nhân khiến 52 người thiệt mạng và khoảng 2.000 người bị thương trong các cuộc bạo động tại Ai Cập chỉ trong 5 ngày qua.
Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ở gần khu vực Quảng trường Tahrir ngày 29/1 (Ảnh: AP) |
Trong khi đó, các nhân chứng cho biết hàng nghìn người biểu tình đã bất chấp lệnh tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng và lệnh giới nghiêm về ban đêm, được Tổng thống Mohamed Mursi ban bố hôm 27/1, vẫn đổ xuống các ngả đường ở ba thành phố áp dụng các lệnh trên gồm Pord Sait, Ismailiya và Suez, để đòi chính quyền Hồi giáo từ chức.
“Tuyên bố tình trạng khẩn cấp và áp đặt lệnh giới nghiêm không phải là một giải pháp. Giải pháp không bao giờ phải áp dụng các biện pháp siết chặt an ninh, mà nó phải là một giải pháp chính trị. Ông Mursi nên xem xét nhu cầu của người dân và ông nên cố gắng để đáp ứng những nhu cầu này”.
“Tôi nghĩ rằng, ông Mursi mong muốn có một sự ổn định cho đất nước, nhưng với khả năng của ông ấy thì đó là một vấn đề. Ông ấy phải có một tầm nhìn, và ông ấy cũng cần phải có một chương trình hợp lý vừa lòng dân”.
Trong một diễn biến khác, tại cuộc đối thoại dân tộc tối 28/1, Tổng thống Mursi đã nhắc lại lời mời khối đối lập chính Mặt trận Cứu quốc (NSF) của cựu Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Mohamed El Baradei tham gia đối thoại. Tổng thống Mursi cho biết với tư cách cá nhân ông sẵn sàng đối thoại trực tiếp với các lãnh đạo và thành viên của Mặt trận Cứu quốc.
Tuy nhiên, khối đối lập Mặt trận Cứu quốc (NSF), liên minh quy tụ hàng chục chính đảng tự do và cánh tả, đã tẩy chay cuộc đối thoại vì cho rằng Tổng thống Mursi không đáp ứng các điều kiện của họ và không mang lại lợi ích cho người dân. Phát biểu tại họp báo ngay sau cuộc họp khẩn cấp của Mặt trận Cứu quốc, lãnh đạo khối này, ông El Baradei cho rằng, lời kêu gọi đàm phán của Tổng thống Mursi là "không nghiêm túc" và "chỉ dẫn đến bế tắc".
Ông El Baradei nói: “Trước mắt chúng tôi sẽ không chấp nhận cuộc đối thoại với ông Mursi, chúng tôi sẽ gửi một thông điệp tới người dân Ai Cập và Tổng thống những gì mà chúng tôi thấy cần thiết phải đối thoại. Nếu Tổng thống đồng ý thì chúng tôi sẵn sàng đối thoại”.
Những dấu hiệu căng thẳng đang diễn ra cho thấy, cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Ai Cập chưa thể lắng dịu trong tương lai gần. Theo giới quan sát, cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ai Cập được châm ngòi khi phiên tòa tuyên án tử hình đối với 21 bị cáo trong vụ bạo động đẫm máu liên quan tới bóng đá ở nước này hồi tháng 2/2012 tại thành phố Suez, thuộc tỉnh Port Sait.
Thêm vào đó, phiên tòa diễn ra trùng thời điểm kỷ niệm 2 năm nổ ra làn sóng biểu tình lật đổ chính quyền của Tổng thống Hosni Mubarak (25/1), do đó phe đối lập nhân cơ hội đã phát động biểu tình chống lại ban lãnh đạo cầm quyền tại Ai Cập.
Dư luận khu vực lại cho rằng, nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng Ai Cập không chỉ như vậy. Nó bắt nguồn từ những mâu thuẫn âm ỉ lâu nay và càng khó hóa giải khi ông Mursi tuyên bố, cuộc bầu cử Quốc hội của Ai Cập sẽ được tổ chức vào ngày 25/2 với sự tham gia của Phong trào Anh em Hồi giáo (MB) vừa trở lại chính trường sau 84 năm kể từ khi tổ chức này ra đời. Đây được xem là nguyên nhân chính khơi mào cuộc đấu đá quyền lực giữa Phong trào Anh em Hồi giáo mà ông Mursi là đại diện với bên kia là giới quân sự lâu nay nắm quyền tại đất nước Bắc Phi.
Mặc dù ông Mursi cam kết sẽ tổ chức bầu cử quốc hội để thành lập chính phủ mới, tuy nhiên, theo giới phân tích những gì đang diễn ra trên chính trường Ai Cập cho thấy cơn sóng ngầm bất ổn chính trị sẽ không dễ nguôi ngoai khi mà cuộc đấu đá quyền lực tại quốc gia Bắc phi này được cho là chỉ mới bắt đầu và không dễ có hồi kết./.