Tròn hai năm trải qua nội chiến, Syria đang ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng. Cuộc xung đột tại quốc gia đầy bất ổn này đã bước sang năm thứ ba mà không có dấu hiệu chấm dứt bạo lực, khiến hơn 70.000 người thiệt mạng, hơn một triệu người phải chạy sang sống tị nạn ở các nước khác, trong khi hàng triệu người khác cũng đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất.
Biểu tình phản đối Chính phủ ở Syria (Ảnh AFP) |
Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), gần một nửa trong tổng số 4 triệu người đang cần trợ giúp khẩn cấp tại Syria là trẻ em dưới 18 tuổi. Xung đột còn khiến gần 1 triệu trẻ em ở độ tuổi dưới 14 hiện phải sống trong cảnh không nhà cửa, hơn 500.000 trẻ em khác phải đi lánh nạn tại các quốc gia lân cận. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cũng nhấn mạnh tới tình trạng thiếu các nguồn tài trợ để giúp đỡ trẻ em ở Syria, đồng thời bày tỏ lo ngại về khả năng quỹ này có thể sẽ phải tạm dừng một số hoạt động cứu trợ vào cuối tháng 3 năm nay, nếu như không nhận được thêm các khoản hỗ trợ.
Còn theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children), có khoảng 2 triệu trẻ em Syria đã trở thành những "nạn nhân bị lãng quên" kể từ khi cuộc xung đột đẫm máu bùng nổ tại đất nước này cách đây hai năm. Báo cáo nêu rõ, ngày càng có nhiều bé trai bị các tay súng chống chính phủ ở Syria sử dụng như là những "lá chắn sống", người đưa tin, và bị đẩy ra mặt trận, trong khi các bé gái thì bị gia đình buộc lấy chồng sớm để đảm bảo rằng các em có người bảo vệ trước nạn tấn công tình dục.
Ngoài ra, rất nhiều trẻ em khác đang bị suy dinh dưỡng, bệnh tật hành hạ và trở thành trẻ vô gia cư. Hiện có hàng nghìn trẻ em Syria đang phải vật lộn để kiếm sống và phải ở trong những ngôi nhà thô sơ, trong công viên hoặc trong các hang động.
Người đứng đầu Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) Antonio Guterres vừa cảnh báo,tình hình bất ổn kéo dài chưa có lối thoát tại Syria đang dẫn đến nguy cơ số lượng người Syria đi tị nạn có thể tăng gấp 3 lần vào cuối năm nay, so với con số 1 triệu người như hiện nay nếu như không có một nghị quyết nào được đưa ra nhằm giải quyết tình trạng xung đột tại nước này.
Trong khi tình trạng bạo lực ở Syria chưa chấm dứt, dư luận lại tiếp tục quan ngại về tình hình Syria sau khiNgoại trưởng Pháp Laurent Fabius ngày 14/3, tuyên bố rằng, Pháp và Anh sẵn sàng vũ trang cho lực lượng đối lập Syria thậm chí không cần tới sự ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU).
Trong khi đó, phát biểu trong cuộc họp cấp cao của các nhà lãnh đạo châu Âu, Tổng thống Pháp Francois Holland, ngày 14/3, cam kết sẽ có trách nhiệm trong giải quyết vấn đề Syria: “Tôi nghĩ rằng mục tiêu của Anh và Pháp là đến cuối tháng 3 này hoặc trước đó có thể thuyết phục được các đối tác của mình. Vì vậy chúng ta sẽ triển khai các kênh ngoại giao, tiến hành thảo luận để chỉ ra cho các đối tác châu Âu thấy được tình hình thực tế của Syria hiện nay, từ đó hướng tới giải pháp giải quyết xung đột tại quốc gia này. Có thể sẽ gặp vướng mắc ở một hoặc hai nước và tôi không thể cam kết gì về các nước khác, ngoại trừ Pháp. Tuy nhiên, về phần mình, Pháp sẽ có trách nhiệm.”
Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Anh, William Hague khẳng định, Anh không có kế hoạch cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria.
Trong bối cảnh các bên có lợi ích liên quan vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, Syria vẫn tiếp tục rơi vào tình trạng bất ổn với các vụ bạo lực liên tiếp xảy ra, đẩy hàng triệu người dân vào sự thống khổ. Hiện, không ai có thể dám chắc điều gì sẽ xảy ra tại Syria trong thời gian tới và tương lai của quốc gia Trung Đông này sẽ đi về đâu vẫn còn là một dấu chấm hỏi./.