Cuộc khủng hoảng Syria đã có dấu hiệu bắt đầu vượt ra khỏi biên giới quốc gia này sau khi hai nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria dùng hỏa lực đáp trả nhau trong 3 ngày liên tiếp.

Kênh truyền hình tư nhân NTV đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 5/10 đã bắn trả sau khi một quả đạn pháo mới từ Syria đáp xuống lãnh thổ nước này gần đường biên giới chung giữa hai nước. Trước đó, quả đạn pháo của Syria rơi xuống thị trấn biên giới Altinozu thuộc tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ tấn công xảy ra chỉ hai ngày sau vụ pháo kích từ Syria qua biên giới khiến năm dân thường Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng.

phao%20binh%20bien%20gioi.jpg

(ảnh: Vestnikkavkaza)

Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cảnh báo Syria sẽ phải trả giá đắt cho những cuộc tấn công tiếp theo.

Ông Erdogan một lần nữa khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không muốn chiến tranh nhưng sẵn sàng hành động nếu bị đe dọa. “Thổ Nhĩ Kỳ  không muốn chiến tranh, song sẵn sàng hành động nếu bị đe dọa. Bất cứ ai muốn thử khả năng phòng vệ của Thổ Nhĩ Kỳ, thì tôi phải cảnh báo rằng đây là một sai lầm nghiêm trọng,” ông nói.

Theo tờ Daily News, Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường sức mạnh ở Địa Trung Hải, với việc điều một số tàu chiến nổi và tàu ngầm đến các căn cứ Hải quân ở khu vực này. Các tàu đều được trang bị đầy đủ vũ khí trong trạng thái sẵn sàng cho chiến tranh.

Trong bối cảnh dư luận thế giới lo ngại chiến sự Syria sẽ lan sang các quốc gia láng giềng, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon bày tỏ quan ngại về tình trạng leo thang các hành động cứng rắn và kêu gọi các nước cần cố gắng kiềm chế.

Người phát ngôn Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Martin Nesirky cho biết: “Tổng thư ký Liên Hợp Quốc rất lo ngại về tình trạng căng thẳng leo thang tại biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như khả năng chiến sự Syria lan sang các nước láng giềng. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi 2 bên từ bỏ sử dụng bạo lực, kiềm chế tối đa và tăng cường nỗ lực nhằm tìm một giải pháp chính trị. Phái viên quốc tế về Syria Brahimi cũng đã liên hệ với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Syria nhằm khuyến khích 2 bên giảm nhẹ căng thẳng”.

Một loạt các nước Lebanon, Iran, Iraq, Jordan đã chuẩn bị các biện pháp đề phòng nguy cơ chiến sự lan rộng. Giới phân tích nhận định nếu Syria rơi vào tình trạng chia rẽ, toàn bộ khu vực Trung Đông có nguy cơ rơi vào hỗn loạn. Trước nguy cơ này, các nhà quan sát cho rằng tất cả các quốc gia trong khu vực nên phối hợp để tìm một giải pháp ôn hòa nhằm giải quyết khủng hoảng Syria và không nên có các hành động làm leo thang xung đột./.