Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 4/10 chính thức phê chuẩn Dự luật cho phép hành động quân sự đối với Syria (trong trường hợp cần thiết), sau khi một thị trấn nước này bị nã pháo từ phía biên giới Syria, khiến 5 dân thường thiệt mạng.

Với 320 phiếu thuận và 129 phiếu chống, dự luật được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua, cũng cho phép tấn công các mục tiêu ở Syria. Mặc dù Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Besir Atalay khẳng định, đây chỉ là sự tự vệ chứ không phải là nhằm tiến hành một cuộc chiến nhưng nhiều nước lo ngại căng thẳng giữa hai nước đe dọa tới tình hình an ninh trong khu vực Trung Đông.

linh-tho-nhi-ky.jpg
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đứng gác ở biên giới chung với Syria (Ảnh: Reuters)

Thổ Nhĩ Kỳ có chung 911 km đường biên giới với Syria. Trong những năm 1990, hai nước suýt xảy ra một cuộc chiến tranh khi Syria ủng hộ lực lượng người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ. Vào năm 1998, Thổ Nhĩ Kỳ đã đe dọa dùng biện pháp quân sự để yêu cầu Syria phải trục xuất nhà lãnh đạo lực lượng người Kurd là Abdullah Ocalan.

Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, quan hệ giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã được cải thiện đáng kể từ khi Tổng thống Syria Bashar-al Assad lên nắm quyền vào năm 2000. Với sự cải thiện quan hệ này, hai nước đã có nhiều hoạt động hợp tác trên lĩnh vực kinh tế.

Thổ Nhĩ Kỳ đang là nước có nền kinh tế phát triển và có sự liên kết về lịch sử và văn hóa với nhiều nước trong khu vực Trung Đông.

Những cuộc tấn công ở Syria trong 19 tháng qua đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ khó chịu và không muốn đứng ngoài cuộc khi phải chứng kiến những cuộc bắn pháo từ Syria ảnh hưởng tới lãnh thổ nước này.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cảnh giác với các kịch bản mà nhiều nước đưa ra như tạo một “vùng đệm” ở bên trong Syria có thể lôi kéo quân đội nước này và các nước khác vào cuộc chiến với Syria. Khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ không muốn là bên trung gian hòa giải nếu chiến tranh lan rộng trong khu vực.

Cuộc khủng hoảng kéo dài tại Syria cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ mệt mỏi vì phải giải quyết gánh nặng khi có khoảng 90.000 người Syria đang sống tỵ nạn tại các lều trại dọc biên giới giữa hai nước.

Vụ bắn pháo của Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ hôm 3/10 đã khiến cho nước này rất tức giận. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã lên án mạnh mẽ  cuộc bắn pháo từ Syria.

Tối 4/10, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu kêu gọi Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, Đặc phái viên LHQ và Liên đoàn Arab về Syria Lakhdar Brahimi và Tổng thư ký Khối Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) Rasmussen lên án Chính phủ Syria về vụ bắn pháo.

Ông Davutoglu và Tổng thư ký NATO Rasmussen đã đồng ý triệu tập cuộc họp khẩn cấp qua điện thoại giữa các thành viên NATO về tình hình Syria.

Với lý do bảo vệ lãnh thổ và dân thường khỏi các cuộc pháo kích từ Syria, dưới sự hỗ trợ của NATO, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua dự thảo cho phép quân đội nước này can thiệp quân sự vào Syria (trong trường hợp cần thiết).

Điều này đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại và nghi ngờ cho rằng, hành động đó có thể mở đường cho sự can thiệp quân sự của nước ngoài vào Syria.

Những cuộc bắn pháo từ Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã khiến ngày 4/10, các nước ủy viên Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí ra Tuyên bố chung lên án vụ nã pháo và  kêu gọi hai nước này kiềm chế tránh để căng thẳng leo thang.

Tuy nhiên, trong chuyến thăm đến Pakistan ngày 4/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bày tỏ mối ngại về sự căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria; đồng kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ cần có cách tiếp cận cân bằng và dựa trên sự thật khách quan đối với vụ việc bắn pháo.

Hãng tinRia Novostingày 4/10 dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, vụ bắn pháo xuất phát từ lãnh thổ Syria làm 5 công dân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng chỉ là một “tai nạn” và sẽ không bao giờ lặp lại; đồng thời kêu gọi các bên kìm chế.

Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết, Nga  đã trao đổi với giới chức Syria thông qua Đại sứ ở Syria và được bảo đảm rằng, những gì xảy ra ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là sự việc đáng tiếc và chuyện tương tự như vậy sẽ không xảy ra một lần nữa.

Mặc dù sự phản đối của Nga đối với Tuyên bố chung của LHQ lên án vụ nã pháo từ Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ được phát đi nhưng thực sự việc Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua dự luật cho phép can thiệp quân sự vào Syria đang là một hồi chuông báo động, đe dọa tới an ninh của khu vực Trung Đông. Liệu các bên có thể kiềm chế, tránh xảy ra những cuộc xung đột lan rộng hay không vẫn là câu hỏi bị bỏ ngỏ./.