Một Thủ tướng mới đã được chỉ định, song Thủ tướng sắp mãn nhiệm lại tuyên bố sẽ không từ bỏ quyền lực. Đã có nhiều ý kiến lo ngại Iraq sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng không hồi kết.
Tổng thống Iraq Fouad Massoum ngày 11/8 đã chỉ định phó Chủ tịch Quốc hội al-Abadi làm Thủ tướng đứng ra thành lập Chính phủ mới.
Ông al-Abadi trước đó đã được liên minh người Shitte tại Quốc hội nhất trí đề cử làm ứng cử viên Thủ tướng, thay vì ông Nouri al- Maliki như dự đoán ban đầu.
Trong một phát biểu đầu tiên sau khi được chỉ định, tân Thủ tướng Iraq đã kêu gọi đoàn kết dân tộc để chống lại các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong nước, đặc biệt là sự trỗi dậy của nhóm nổi dậy Nhà nước Hồi giáo đang đặt đất nước trước nguy cơ phân rã.
Chính phủ Mỹ ngay lập tức đã ra tuyên bố ủng hộ việc bổ nhiệm này. Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ, Chính phủ Mỹ sẵn sàng hỗ trợ đầy đủ Chính phủ đoàn kết dân tộc mới tại Iraq, nhất là trong cuộc chiến chống nhóm nổi dậy Nhà nước Hồi giáo.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cùng ngày cũng gọi đây là một bước tiến quan trọng trong việc thành lập Chính phủ đoàn kết tại Iraq, đồng thời đánh giá cao quyết định của Tổng thống Iraq chỉ định ông al-Abadi đứng ra thành lập Chính phủ mới.
Người phát ngôn Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric nói: “Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hoan nghênh bước tiến mới hướng tới thành lập Chính phủ tại Iraq. Ông cũng đánh giá cao quyết định của Tổng thống Iraq chỉ địch ông al-Abadi làm Thủ tướng mới, phù hợp với Hiến pháp, cũng như tiến trình thành lập Chính phủ mới. Ông đồng thời hối thúc Thủ tướng mới được chỉ định nhanh chóng thành lập một Chính phủ đoàn kết nhận được sự ủng hộ của tất cả các thành phần xã hội của Iraq và phù hợp với khuôn khổ Hiến pháp”.
Tuy nhiên, sự kiện này lại có nguy cơ làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng chính trị tại thời điểm mà Iraq cần một mặt trận thống nhất chống lại sự nổi dậy ngày càng mạnh mẽ của các phiến quân Hồi giáo dòng Sunni.
Trong một phát biểu ngày 11/8 trên truyền hình, Thủ tướng al- Maliki một lần nữa khẳng định quyết tâm không từ bỏ nỗ lực đảm nhận thêm một nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 3 và cho biết đang làm đơn kiện Tng thống vì vi hiến.
Theo ông, Tổng thống mới đắc cử Massoum đã 2 lần vi phạm Hiến pháp khi mở rộng hạn chót cho các liên minh chính trị lớn nhất đề cử ứng cử viên cho vị trí Thủ tướng.
Từ cuối tuần qua, ông Maliki đã triển khai các lực lượng đặc biệt trên khắp các tuyến phố ở thủ đô Baghdad, cũng như các cửa ngõ vào thủ đô và các vùng Xanh, khu vực đặt các tòa nhà Chính phủ, trụ sở quân đội và Đại sứ quán Mỹ.
Theo các nhà phân tích, ông al- Maliki hiện nắm trong tay nhiều át chủ bài như quân đội, các lực lượng an ninh và các thể thế. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ông al- Maliki có đủ khả năng để tiếp tục tại vị.
Chính vì thế, việc ông al-Maliki từ chối rút lui càng làm gia tăng nguy cơ xung đột tại Baghdad./.