Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu tiếp tục lan rộng khi Tây Ban Nha ngày 9/6 đã phải yêu cầu sự trợ giúp tài chính của quốc tế để vực dậy hệ thống ngân hàng đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Như vậy, Tây Ban Nha trở thành nước thứ 4 trong khu vực đồng tiền chung châu Âu phải nhận sự trợ giúp tài chính từ khi khủng hoảng bắt đầu.
Trong khi giới chức châu Âu hoan nghênh quyết định của Tây Ban Nha, thì dư luận trong dân chúng lại bày tỏ lo ngại rằng cuộc khủng hoảng đã thực sự lan rộng, gây bất ổn nghiêm trọng cho khu vực sử dụng đồng tiền chung này.
Trong phiên họp ngày 9/6 về tình hình Tây Ban Nha, các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhất trí “bơm” 100 tỷ euro (tương đương 125 tỷ USD) giúp Tây Ban Nha vực dậy hệ thống ngân hàng. Khoản tiền cứu trợ trên được trích từ Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) để tái cấp vốn cho các ngân hàng của Tây Ban Nha, giúp các ngân hàng tăng khả năng đáp ứng các yêu cầu về vốn.
Đức khẳng định luôn sẵn sàng hợp tác cùng với 16 nước thành viên làm mọi việc cần thiết để giúp Tây Ban Nha thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, hiện tại giới chức Tây Ban Nha cho biết họ muốn xin cứu trợ nhưng chưa thể xác định mức cần cứu trợ cho đến khi 2 cơ quan tư vấn độc lập hoàn tất đánh giá nhu cầu về vốn của hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha trước ngày 21/6.
Phát biểu sau khi Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha thông báo nước này sẽ viện đến khoản cứu trợ tài chính để khắc phục khó khăn, người phát ngôn Ủy ban châu Âu Peters Stano bày tỏ tin tưởng Tây Ban Nha sẽ vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay với các nỗ lực cải cách kinh tế:
Với việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, và quyết tâm thực hiện cải cách kinh tế và ổn định tài chính, chúng tôi tin tưởng Tây Ban Nha sẽ dần lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư, tạo cơ sở cho việc phục hồi tăng trưởng kinh tế bền vững và tạo việc làm” - người phát ngôn Ủy ban châu Âu Peters Stano nói.
Các quan chức khu vực đồng tiền chung châu Âu và Đức cho biết, Tây Ban Nha sẽ bị áp đặt các yêu cầu về thắt lưng buộc bụng hoặc tái cấu trúc kinh tế như các nước đã nhận gói cứu trợ trước đó. Trong khi đó, việc Hy Lạp, quốc gia trong Eurozone rơi vào khủng hoảng chính trị, phải tổ chức lại bầu cử quốc hội cũng xuất phát từ việc nước này phải yêu cầu trợ giúp tài chính của quốc tế kèm theo các điều kiện ngặt nghèo về cắt giảm chi tiêu công.
Mặc dù gói cứu trợ tài chính mới chỉ tập trung vào việc giúp hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha thoát khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay, nhưng các nhà phân tích cho rằng, việc Tây Ban Nha phải đề nghị cứu trợ tài chính cho thấy cuộc khủng hoảng nợ công đã lan rộng trong Eurozone. Chuyên gia kinh tế Hy Lạp Yannis Mavroyannis cho rằng: “Cuộc khủng hoảng nợ công đã không chỉ bắt nguồn từ Hy Lạp và nó đã âm ỉ khởi nguồn từ trong châu Âu, và hiện nay đã ảnh hưởng đến nhiều nước Nam Âu. Sau Tây Ban Nha, rất có thể sẽ đến lượt Italy”.
Trong khi đó, nhiều người dân Tây Ban Nha cho rằng, các khoản cứu trợ không nên chỉ dùng để cứu hệ thống ngân hàng. Bà Mari Paz, một người dân Tây Ban Nha nói: “Gói cứu trợ tài chính không thể chỉ dành cho các ngân hàng, mà cần cho người dân, những người bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng hiện nay. Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ thị trường và do đó không nên để người dân phải gánh chịu ảnh hưởng của nó”.
Hiện Chính phủ Tây Ban Nha đang phải “vật lộn” để củng cố thị trường tài chính vốn đang có nhiều khó khăn, khi các các ngân hàng yếu kém đã cho vay quá nhiều trong cơn bong bóng tài sản.
Theo Viện Tài chính quốc tế, tổn thất trong lĩnh vực ngân hàng Tây Ban Nha do nợ xấu có thể lên tới 260 tỷ euro và nước này cần khoảng 60 tỷ euro để vực dậy hệ thống ngân hàng. Hầu hết nợ xấu tập trung ở các khoản vay bất động sản thương mại từ các ngân hàng tiết kiệm nhỏ của Tây Ban Nha./.