Quyết định mở lại cửa khẩu Horgos-Roszke 1 sau gần một tuần bị đóng cửa được đưa ra sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Nội vụ của Hungary và Serbia.
Người tị nạn ở biên giới Hungary. Ảnh: AFP. |
Bộ trưởng Nội vụ Hungary Sandor Pinter cho biết với sự hợp tác của phía Serbia cùng nhau giải quyết khủng hoảng, hai nước đã nhất trí mở lại tuyến đường tiếp nhận người tị nạn này. Cùng với đó, Serbia và Hungary cũng sẽ khai thông các tuyến đường cao tốc giữa Belgrade và Budapest để chở người di cư.
Theo thống kê của cảnh sát Hungary chỉ riêng trong đêm 19/9 đã có 210.000 người di cư xâm nhập vào lãnh thổ nước này qua các ngả Serbia và Croatia. Phần lớn trong số này chỉ muốn quá cảnh tại Hungary, sau đó tìm đường Đức, Áo và các nước Tây Âu giàu có khác.
Việc Hungary đóng cửa biên giới với Serbia đã khiến dòng người di cư chạy trốn chiến tranh ở Trung Đông bị mắc kẹt ở Serbia phải chuyển hướng tràn về Croatia và Slovakia.
Chính phủ Croatia ngày 20/9 cho biết, nước này đang không thể kham nổi khi mà trong 3 ngày qua, có tới 14.000 người di cư tràn vào nước này.
Trong khi đó, tại các nước đầy bất ổn ở Syria, Afghanistan, Iraq mỗi ngày lại có thêm hàng nghìn người dân tìm mọi cách trốn chạy khỏi quê hương cho dù phải đánh đổi cả mạng sống.
Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày cho biết, ít nhất 13 người di cư trong đó có 4 trẻ em được phát hiện đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn ở ngoài khơi bờ biển Canakkale ở nước này.
Truyền thông địa phương đưa tin, vụ việc xảy ra khi một chiếc thuyền cũ kỹ chở gần 50 người di cư, chưa rõ quốc tịch, đâm phải một chiếc phà di chuyển ngược chiều trên vùng biển Aegen.
Được biết, chiếc thuyền gặp nạn xuất phát từ cảng biển Canakkale để tới hòn đảo Lesbos của Hy Lạp. Theo báo cáo, khoảng 20 người được cứu sống sau khi một máy bay trực thăng tuần tra biển của Liên minh châu Âu phát hiện. Hiện còn hơn chục người bị mất tích.
Cùng ngày, lực lượng bảo vệ bờ biển Libya cho biết vừa cứu sống 245 người di cư Bắc Phi, tại một khu vưc ngoài khơi bờ biền Tripoli, trong đó có rất nhiều trẻ em và phụ nữ mang thai.
Trước đó cùng ngày, cảnh sát biển Italy cũng đã cứu sống được hơn 4.700 người đang trôi dạt trên biển Địa Trung Hải trên các con xuồng cao su quá tải.
Theo số liệu của Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), trong năm nay đã có gần 430.000 di cư đã đến được châu Âu qua đường biển Địa Trung Hải, chủ yếu đến từ Trung Đông và châu Phi. Có tới 2.300 người đã phải bỏ mạng giữa cuộc hành trình tìm kiếm miền đất hứa của mình./.
>> Xem thêm: Đột phá cho khủng hoảng di cư: Mỹ cần hợp tác thực chất với Nga