Indonesia tuần trước cho biết sẽ cấm xuất khẩu dầu ăn và các nguyên liệu thô liên quan đến sản xuất dầu ăn từ ngày 28/4 để đảm bảo nguồn cung và giá cả phải chăng trong nước. Lệnh cấm của Indonesia có thể nâng giá tất cả các loại dầu ăn chính bao gồm dầu cọ, dầu hướng dương và dầu hạt cải...

Điều này làm gia tăng gánh nặng cho người tiêu dùng khi khối lượng xuất khẩu của tất cả các loại dầu chính khác đang chịu áp lực: dầu đậu nành do hạn hán ở Nam Mỹ; dầu hạt cải do mùa màng ở Canada và dầu hướng dương do cuộc chiến Ukraine.

Ông Boubaker Ben Belhassen, Giám đốc Vụ Thương mại và Thị trường Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc cho biết: “Giá dầu thực vật trong tháng 3 tăng vọt, 23,2% chỉ trong một tháng. Giá dầu hạt hướng dương tăng đáng kể. Giá dầu lúa mạch, đậu nành và dầu hạt dẻ cũng tăng do nhu cầu trên toàn cầu tăng. Giá dầu gia tăng cũng do nguồn cung giảm từ các nước sản xuất dầu lớn”.

Các nhà nhập khẩu như Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan cho biết họ đang cố gắng tăng mua dầu cọ từ Malaysia - nhà sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, Malaysia không thể lấp đầy khoảng trống do Indonesia tạo ra, với việc quốc gia này cung cấp gần một nửa tổng lượng dầu cọ nhập khẩu của Ấn Độ, trong khi Pakistan và Bangladesh nhập khẩu gần 80% lượng dầu cọ từ Indonesia. Hiệp hội các nhà tinh chế dầu ăn Pakistan (PEORA) cho biết khó nước nào có thể bù đắp cho sự thiết hụt từ Indonesia và các quốc gia đều sẽ bị ảnh hưởng./.