Không còn tiếng súng vang lên tại Slavyansk. (Ảnh: Reuters) |
Đại diện của lực lượng phòng vệ Donbass cho biết, tình hình tại khu vực Donetsk đã ổn định. Không còn tiếng súng vang lên tại Slavyansk. Khu vực Mariupol – nơi vẫn xảy ra giao tranh ngày 7/5, cũng yên bình hơn sau tuyên bố của Nga. Không có bất cứ cuộc giao tranh nào tại các thị trấn của Donetsk.
Tuy nhiên, người dân địa phương cho biết, quân đội Ukraine vẫn chưa rút khỏi khu vực. Dự kiến hội đồng khu vực ngày 8/5 sẽ có phiên họp đặc biệt tại Donetsk để quyết định có nên hoãn cuộc trưng cầu ý dân diễn ra vào ngày 11/5 tới hay không. Tuy nhiên, lực lượng này khẳng định không có ý định hạ vũ khí đơn phương và chính quyền Ukraine sẽ không có bất cứ cơ hội nào để tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống tại Donbass.
Những diễn biến này xảy ra tại miền Đông Ukraine, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thụy Sĩ kiêm Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Didier Burkhalter tại Moscow. Tổng thống Putin tuyên bố, Nga đã rút các lực lượng quân sự khỏi khu vực biên giới với Ukraine, đồng thời đề nghị những người ủng hộ liên bang hóa Ukraine lùi thời điểm tiến hành cuộc trưng cầu ý dân, tạo những điều kiện cần thiết cho việc tổ chức đối thoại.
Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu khẳng định, biện pháp sử dụng quân sự không phải là con đường an toàn để giải quyết tất cả những xung đột chính trị nội bộ, mà ngược lại chỉ làm trầm trọng thêm tình hình. Chỉ có đối thoại trực tiếp giữa chính quyền Ukraine và các đại diện miền Đông-Nam mới là chìa khóa giải quyết xung đột hiện nay. Tuy nhiên, phía Nga cũng nêu rõ điều kiện bắt buộc để bắt đầu cuộc đối thoại này là nhất thiết phải chấm dứt việc sử dụng vũ lực tại đây.
Ngay sau lời kêu gọi của Tổng thống Nga, lực lượng đòi liên bang hóa tại khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine cho biết sẽ cân nhắc về đề xuất hoãn trưng cầu ý dân về nền độc lập của khu vực. Tuy nhiên, những bước đi của Nga dường như chưa đủ làm hài lòng chính quyền lâm thời Kiev và phương Tây.
Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk cho biết: “Tôi thực sự ngạc nhiên khi cuộc gặp giữa hai bên tại Moscow lại thảo luận về Ukraine mà không có sự tham gia của chúng tôi, Mỹ hay Liên minh châu Âu. Cuộc gặp đầu tiên tại Geneva chính xác theo khuôn mẫu này và Nga đã từ chối tuân theo những thỏa thuận này”.
Tuy nhiên, ông Yatseniuk cũng bày tỏ hi vọng lộ trình mà Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu cũng sẽ phản ánh mong muốn của người dân Ukraine. Mỹ và NATO cũng cho biết chưa thể xác nhận việc rút quân của Nga tại khu vực biên giới Ukraine, đồng thời kêu gọi Nga hối thúc lực lượng biểu tình tại miền đông hạ vũ khí.
Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski nói: “Chúng ta phụ thuộc vào ông Putin, không chỉ là lời kêu gọi thay đổi cuộc trưng cầu ý dân tại phía đông Ukraine, mà còn kêu gọi các nhóm vũ trang tại đây hạ vũ khí, tham gia vào các cuộc bầu cử Tổng thống dân chủ Ukraine”.
Tổng thống Mỹ Obama ngày 7/5 cũng thông báo với Quốc hội Mỹ về kế hoạch loại Nga khỏi Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), một chương trình cho phép miễn thuế nhập khẩu một số mặt hàng nhất định.
Tổng thống Obama cho rằng, chương trình này mang lại lợi ích cho những nước đang phát triển. Nga hiện có đủ các bước tiến trong phát triển kinh tế và cải thiện sự cạnh tranh thương mại. Vì vậy, việc nước này không tiếp tục được hưởng các ưu đãi theo chương trình này là phù hợp.
Rõ ràng những bước đi của Nga đang giúp xoa dịu những căng thẳng trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhưng để các diễn biến này đi theo chiều hướng tích cực và lâu dài thì thiện chí không thể chỉ đến từ một phía./.