Mặc dù mỗi nơi có phong tục khác nhau song đây luôn là dịp để mọi người tụ họp sum vầy, vui vẻ cùng nhau thưởng thức những món ngon và đi chơi trăng… 

Năm nay cũng vậy, Tết trung thu được người gốc Hoa ở Singapore tổ chức hoành tráng với nhiều hoạt động ngoài trời sôi nổi. Đèn lồng đủ màu sắc giăng ngập các con phố, nơi đông người Hoa sinh sống. 

Hòa vào không khí vui tươi, mọi người tập chung đông ở những điểm giải trí công cộng để xem múa rồng, sư tử, thả đèn hoa đăng và mua sắm. Là thời điểm lý tưởng trong năm để gửi trao lời chúc và những món quà, nên hoạt động mua sắm ở quốc đảo sư tử này diễn ra cũng vô cùng tấp nập. Bao giờ cũng vậy, bánh Trung thu vẫn luôn là món quà phổ biến nhất. 

hoa_dang_lsqd.jpgLễ hội đèn hoa đăng ở Trung Quốc

Theo phong tục của người Trung Quốc, tết Trung thu còn gọi là Tết đoàn viên, hay Lễ hội đèn lồng đánh dấu mùa thu hoạch kết thúc, là thời điểm mọi thành viên trong gia đình tụ họp với nhau. 

Bên cạnh những hoạt động vui chơi giải trí hiện đại vẫn không thể những thiếu lễ rước đèn lồng và múa rồng lửa truyền thống. Bởi, người Trung Quốc tin rằng rồng lửa và bánh trung thu luôn mang lại  an lành, sự no đủ và đoàn viên. 

Vào dịp này, nhà nào cũng giăng đèn lồng rực rỡ trước cửa nhà. Tết trung thu năm nay, giống như nhiều khu vui chơi công cộng khác, sở thú lớn nhất ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ xuyên thu hút du khách đông hơn thường lệ, để ngắm gấu trúc-biểu tượng hòa bình. 

Bánh dẻo Mochi Nhật Bản

Đến Hàn Quốc vào dịp này, khách du lịch may mắn được hưởng trọn vẹn không khí lễ hội mang đậm nét truyền thống đặc sắc của người dân xứ sở kim chi Tết trung thu của người Hàn Quốc có nét tương đồng với Tết nguyên đán của người Việt nam. Bánh gạo songpyeon (hình nửa vầng trăng) và rượu sindoju vẫn luôn là món không thể thiếu trong ngày lễ Chuseok bên cạnh mâm cỗ cúng tổ tiên thịnh soạn.

Sau bữa cơm đoàn viên gia đình trước chính rằm, người Hàn Quốc cùng nhau đi tảo mộ. Tận dụng tối đa 3 ngày nghỉ lễ năm nay, người dân xứ sở kim chi còn tổ chức nhiều trò chơi như đấu vật, chọi bò và nhảy múa ca hát tưng bừng. 

Hai du khách người Anh chia sẻ: “Lần đầu tiên đến Hàn Quốc, tôi thực sự ngạc nhiên bởi nhiều thứ. Giống như Lễ tạ ơn ở châu Âu, Tết trung thu ở Hàn Quốc là dịp để cám ơn chúa Trời cho mùa màng bội thu, là dịp để tất cả moi người đi làm xa trở về đoàn tụ cùng gia đình. Chúc mừng Lễ hội Chuseok, chúc mọi người  tràn đầy cảm xúc”. 

Phong tục làm bánhTrung Thu truyền thống  ở Hàn Quốc

Còn tại Nhật Bản, Tết trung thu được gọi là Tsukimi (Tết ngắm trăng) năm nay cũng được tổ chức rầm rộ. Mâm cỗ Trung thu theo truyền thống của người Nhật có rất nhiều loại bánh với màu sắc tươi tắn, dưa hấu, hạt dẻ... được bày biện đẹp mắt và đặt ngay ngắn gần cửa sổ. 

Ngoài ra, người Nhật còn ăn thêm món bánh dày dango vì cho rằng đây là món ưa thích của thỏ ngọc. Cũng giống trẻ em Việt Nam, trẻ em Nhật Bản cũng tham gia vào lễ hội rước cá chép. Trong khi người già thích thưởng trăng, uống rượu, trà và trò chuyện dưới mái hiên nhà. 

Vào dịp giữa tiết trời thu này, nhiều quốc gia ở châu Á khác như Malaysia, Sri Lanka, Myanmar và Thái Lan cũng có những hoạt động vui vẻ đón Rằm Trung thu như múa lân sư tử, rước đèn, làm bánh Rrung thu hay tới các ngôi chùa nghe giảng đạo và cầu nguyện. 

Gác lại những lo toan tất bật của cuộc sống, vào mỗi dịp Tết Trung thu  mỗi người dường như đều muốn dành cho mình phút giây thư giãn vui vẻ và thư thái bên những người thân yêu /.