Pháp và Đức cùng đồng lọat lên tiếng vụ thử mới nhất của Nga cho rằng không gian vũ trụ là một lợi ích chung thuộc về 7,7 tỷ người dân của hành tinh. Theo hai nước, việc phá hủy vệ tinh trong quỹ đạo Trái đất tầm thấp đã tạo ra một lượng lớn mảnh vỡ, yếu tố sẽ gây nguy hại tới quyền sử dụng không gian tự do và không bị cản trở của tất cả các quốc gia trong nhiều năm. Trước đó, Mỹ và NATO cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động của Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: “Chúng tôi đã được Mỹ thông báo về cuộc thử tên lửa phá hủy vệ tinh của Nga và điều này đã tạo ra rất nhiều mảnh vỡ, là nguy cơ đối với Trạm vũ trụ quốc tế, cũng như đối với trạm không gian của Trung Quốc. Đây là một hành động liều lĩnh”.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngay lập tức lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Mỹ, đồng thời khẳng định Trạm vũ trụ quốc tế an toàn vì mảnh vỡ cách 60 km. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cho rằng, thay vì đưa ra những cáo buộc vô căn cứ, Mỹ cần bắt đầu đàm phán và thảo luận về những quan ngại của họ liên quan vũ khí trong không gian.
“Mỹ thường kêu gọi các quy tắc toàn cầu để khai thác không gian. Tuy nhiên vì một số lý do, họ đã phớt lờ sáng kiến của Nga và Trung Quốc trong nhiều năm về một hiệp ước ngăn chặn chạy đua vũ trang trong không gian. Mặt khác, Mỹ cũng rất tích cực thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang”, ông Lavrov nói.
Cuộc thử nghiệm bắn phá vệ tinh cũ của Nga tạo ra khoảng 1.500 mảnh vỡ lớn và hàng trăm ngàn mảnh vỡ nhỏ. Tuy nhiên đây chỉ là phần nhỏ trong đống rác vũ trụ đủ kích cỡ đang lơ lửng trong không gian. Điều đáng lo ngại nhất là bước đi của Nga và phản ứng sau đó của Mỹ và châu Âu cho thấy nguy cơ của một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian.
Căng thẳng gia tăng trong những năm gần đây khi không gian đang trở thành cuộc đối đầu địa chính trị giữa Nga và Trung Quốc và một bên là phương Tây. Cho tới nay, chỉ mới có 3 quốc gia từng thử tên lửa bắn phá vệ tinh bao gồm Mỹ Trung Quốc và Ấn Độ và nay trong danh sách này có thêm Nga.
Theo giới quan sát, Nga thực tế không cần thiết phải gấp rút phá hủy vệ tinh cũ không còn hoạt động, mà đơn thuần đây là bước đi thể hiện vị thế, một tín hiệu chính trị. Ngoài ra, việc Nga thử tên lửa hủy vệ tinh không báo trước cho Mỹ cho thấy giữa các cường quốc vẫn chưa có một cơ chế thông tin liên lạc về các hoạt động của mỗi nước trên không gian. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ sai sót trong phán đoán, khiến tình hình leo thang căng thẳng bất ngờ trong không gian./.