Đây là một phần trong nỗ lực chấm dứt tình trạng căng thẳng leo thang nhiều ngày qua tại tỉnh chiến lược Daraa, Tây Nam Syria.

Những nhượng bộ mới đã được các bên đưa ra, trong khi Jordan, một quốc gia có ảnh hưởng tại khu vực, cũng đã đưa ra đề nghị chính thức đóng vai trò trung gian trong tiến trình này.

quan_nga_o_syria_qbwt.jpg
Binh sĩ Nga ở Syria. Ảnh: Sputnik.

Các nguồn tin ngoại giao cho biết, đàm phán hôm 1/7 diễn ra khá căng thẳng khi phe đối lập tuyên bố sẽ chỉ chấp nhận một thỏa thuận trong đó Jordan, một quốc gia có ảnh hưởng đối với lực lượng này, phải đóng vai trò bảo trợ an ninh cho 800.000 dân thường tại tỉnh Daraa. Phe đối lập cho biết thêm, các cuộc không kích dồn dập của quân đội chính phủ Syria trong thời gian diễn ra các cuộc thảo luận đã gây ảnh hưởng tới niềm tin của các bên.

Cách đây 11 ngày, quân đội Syria đã bắt đầu chiến dịch chống phiến quân ở Daraa với mục tiêu giành lại các khu vực bị phiến quân chiếm đóng. Daraa có vị trí vô cùng quan trọng khi giáp biên giới với cả Jordan và Cao nguyên Golan, nơi Israel sử dụng làm “bàn đạp” để tiến hành nhiều cuộc không kích nhằm vào các cứ điểm của quân đội Syria. Đây cũng là thành trì quan trọng thứ 2 của các lực lượng chống đối chính quyền Tổng thống Bashar Al Assad.

Tại cuộc đàm phán, Nga đã đưa ra các đề xuất quan trọng, trong đó phe đối lập sẽ phải giao nộp các vũ khí hạng nặng và tầm trung, trong khi các vũ khí hạng nhẹ được ấn định thời hạn cụ thể. Cũng theo đề nghị trên, các đơn vị cảnh sát của Syria và Nga sẽ được triển khai tại Daraa. Ngoài ra, các cơ quan Chính phủ sẽ quay trở lại hoạt động ở tỉnh này, song quân đội Syria sẽ không tiến vào các khu vực do phiến quân kiểm soát ở đó. Nga cũng đảm bảo không có dân thường hay các tay súng phiến quân bị bắt tại các trạm kiểm soát vốn được thiết lập ở Daraa khi đề nghị do phía Nga đề xuất được nhất trí và có hiệu lực thực thi. 

Theo các nhà phân tích, chiến dịch của quân đội Syria tại tỉnh Daraa nhiều khả năng sẽ kết thúc với một thỏa thuận hòa giải.

Ông Mazen Bilal, một chuyên gia phân tích chính trị Syria nhận định: “Trên thực tế, Mỹ và Nga đã không đạt được thỏa thuận về khu vực này, khiến cho khu vực này trở thành một vấn đề đối với các nước láng giềng trong đó có Israel và Jordan. Dù quân đội Syria không gặp phải quá nhiều khó khăn trong chiến dịch tại Daraa, song cũng không muốn kéo dài tình trạng này khi có thể gây ra những thương vong lớn, không chỉ cho quân đội, mà cả dân thường. Những gì mà quân đội Syria muốn đạt được là một thỏa thuận hòa giải giống như những gì đạt được tại Đông Ghouta”.

Các cuộc thảo luận diễn ra tại Bousra Al Cham - khu vực do quân đối lập kiểm soát, nơi có ngôi thành cổ theo kiến trúc Roman được xếp vào danh sách các di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc.

Theo Tổ chức Theo dõi nhân quyền Syria, các tay súng nổi dậy hiện kiểm soát thành phố Bousra Al Cham đã đầu hàng chính quyền và bắt đầu giao nộp vũ khí. Tuy nhiên, theo các nguồn tin địa phương, đây là một hành động thể hiện thiện chí của phe đối lập, trong bối cảnh các cuộc đàm phán đang diễn ra, chứ không phải là dấu hiệu cho thấy một thỏa thuận đã đạt được nhằm khôi phục sự kiểm soát của chính quyền đối với khu vực.

Trong phản ứng chính thức đầu tiên về tiến trình hòa đàm vừa được nối lại, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi khẳng định, nước này đang tham gia vào các hoạt động ngoại giao tích cực trong nỗ lực đạt được một lệnh ngừng bắn thực thụ.

Theo Tổ chức Theo dõi nhân quyền Syria, đã có 126 dân thường thiệt mạng và hơn 120.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn kể từ khi bắt đầu các cuộc giao tranh giữa lực lượng Chính phủ và phiến quân ở Daraa./.