Cuộc đàm phán giữa chính phủ Syria và phe đối lập do quốc tế làm trung gian dự kiến diễn ra 29/01 tại Geneva, Thụy Sĩ. Tuy nhiên, những bất đồng giữa các bên liên quan về thành phần tham dự sẽ là những thách thức không nhỏ cho vòng đàm phán lần này.

Trong tuyên bố hôm qua, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tẩy chay các cuộc hòa đàm liên quan tới việc tìm kiếm hòa bình cho Syria, dự kiến được tổ chức trong tuần này tại Geneva, nếu như Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd được mời tham dự.

syria_2142767b_cuwk.jpg
Hòa bình cho Syria dường như vẫn còn rất xa vời. (Ảnh: AFP)

Ông Cavusoglu nói: "Tất nhiên Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tẩy chay các cuộc đàm phán tại Geneva. Họ có thể tổ chức một cuộc họp ở một nơi khác, đó là vấn đề của họ. Nhưng  Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd không được phép xuất hiện trong đoàn đàm phán. Đây là quan điểm rõ ràng của Thổ Nhĩ Kỳ".

Tuyên bố trên của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kịch liệt phản đối yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ đòi loại Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd khỏi danh sách tham gia hòa đàm Syria. Ngoại trưởng Nga khẳng định, đàm phán hòa bình Syria  sẽ không thể thành công nếu không có sự tham gia của đại diện người Kurd.

“Gần đây tôi có nghe một số thông tin rằng, Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd không được mời tham dự cuộc đàm phán hòa bình Syria. Tôi nghĩ rằng, nếu không có sự tham gia của họ thì cuộc đàm phán sẽ không đạt kết quả như chúng ta mong muốn, đó là một giải pháp chính trị cuối cùng cho cuộc xung đột tại Syria. Họ là một lực lượng hùng hậu chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng dưới mặt đất. Vì vậy không mời họ là một sai lầm hết sức nghiêm trọng”, ông Lavrov nói.

Hiện phần lớn các nhóm đối lập người Arab và Hồi giáo chống lại sự tham gia của người Kurd trong cuộc đàm phán hòa bình. Họ cáo buộc người Kurd có quan hệ gần gũi với chế độ của Tổng thống Syria  Bashar Al-Assad.

Trong cuộc nội chiến Syria, người Kurd đã tạo ra các khu tự trị ở phía bắc nước này. Người Kurd ở Syria đang liên minh với một số nhóm của Quân đội Syria  Tự do, nhưng đã đụng độ với các Ahrar al-Sham, Mặt trận Al-Nusra và các phe phái được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Mâu thuẫn giữa các phe phái ở Syria là rất lớn. (Ảnh: PressTV)

Về phía Phe đối lập Syria, họ cáo buộc Nga “áp đặt” về việc nhóm nào có thể tham gia cuộc đàm phán. Trước đó, một tuyên bố chung của 45 nhóm nổi dậy và đối lập tuyên bố, Nga không có quyền quyết định việc bất kỳ nhóm đối lập Syria  nào đủ tư cách tham gia đàm phán hay không. Phe đối lập cũng đòi Nga ngừng ném bom ở Syria và cho phép hàng hóa viện trợ tiếp cận các khu vực bị bao vây.

Trong khi đó, quân Chính phủ Syria, với sự yểm trợ hỏa lực của Không quân Nga đã liên tiếp giành chiến thắng trên nhiều mặt trận. Vì vậy Tổng thống Assad tính toán rằng, các cuộc đàm phán thực sự sẽ diễn ra không phải là ở Geneva, mà là trên chiến trường. 

Thay vì đàm phán với nhiều nhóm nổi dậy, Chính phủ Syria quay ra đàm phán với lực lượng dân quân địa phương như những gì đã xảy ra ở Homs và Zabadani.

Như vậy, với những bất đồng và tính toán lợi ích của các bên, cuộc đàm phán đầu tiên nhằm mục đích chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria được dự kiến bắt đầu vào thứ sáu tuần này được dự đoán sẽ gặp muôn vàn trở ngại. 

Trước đó, cuộc đàm phán hòa bình Syria được lên kế hoạch tổ chức ngày 25/1 nhưng đã bị hoãn lại đến ngày 29/1 do các bên vẫn chưa thể thống nhất về việc ai sẽ đại diện cho các đoàn đại biểu đối lập. 

Nhiều nhà phân tích nhận định, cuộc đàm phán lần này nếu diễn ra theo đúng kế hoạch cũng sẽ không mang lại nhiều kết quả vì những bất đồng chưa được giải quyết giữa các bên./.