Các bên tham chiến tại Libya ngày 20/2 đã trở lại các cuộc đàm phán tại Geneva, Thụy Sĩ nhằm cứu vãn lệnh ngừng bắn mong manh tại quốc gia Bắc Phi này. Đây là một phần nỗ lực của Liên Hợp Quốc nhằm thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho Libya sau nhiều năm nội chiến. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để có được một lệnh ngừng bắn lâu dài tại Libya là điều không dễ dàng bởi có nhiều yếu tố bên ngoài can thiệp vào quốc gia này.
Việc có nhiều yếu tố bên ngoài can thiệp vào Libya sẽ gây phức tạp thêm tình hình tại quốc gia Bắc Phi này. Ảnh: Time |
Người phát ngôn của Phái bộ hỗ trợ Liên Hợp Quốc (UNSMIL) tại Libya Jean El Alam ngày 20/2 cho biết, đại diện của các bên xung đột tại Libya đã nối lại đàm phán. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin cụ thể về kết quả của cuộc đàm phán này.
Vòng đàm phán đầu tiên giữa các bên xung đột tại Libya do Liên Hợp Quốc bảo trợ được tiến hành hồi đầu tháng này tại Geneva nhưng không đạt kết quả. Vòng đàm phán thứ hai được tiến hành ngày 18/2 vừa qua. Tuy nhiên, Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) tuyên bố rút khỏi đàm phán để phản ứng với vụ tấn công bằng tên lửa của lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) nhằm vào cảng biển ở thủ đô Tripoli.
Vụ tấn công này là vi phạm mới nhất đối với thỏa thuận ngừng bắn hiện nay giữa GNA và LNA đạt được ngày 12/1 do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian. Điều đáng lưu ý là việc ngừng bắn không phải là thỏa thuận giữa các bên trực tiếp trong cuộc xung đột ở Libya, mà do các đối tác bên ngoài áp đặt. Điều đó cho thấy các cam kết của cộng đồng quốc tế hướng tới một giải pháp hòa bình cho vấn đề Libya, do người Libya dẫn dắt và làm chủ là bất cập và không thực tế.
Trong bối cảnh hiện nay, có thể nhận định, để nội bộ các phe phái ở Libya tự quyết định và giải quyết hoà bình và tương lai chính trị cho Libya là khó có thể thành hiện thực. Chính vì thế, trong cuộc trả lời phỏng vấn vào hôm qua, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng, cuộc khủng hoảng tại Libya đang thiếu những giải pháp để có thể ngăn ngừa xung đột.
"Hệ thống quốc tế" đã không ngăn được các cuộc đụng độ ở Libya và cũng không có quyết tâm. Chính vì thế, một quá trình chính trị ở Libya không thể có tiến triển trong khi các cuộc tấn công của lực lượng Quân đội quốc gia Libya vẫn tiếp tục.
Trước thực tế này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov yêu cầu tránh sự can thiệp từ bên ngoài vào Libya nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giải pháp hoà bình và chính trị toàn diện cho quốc gia Bắc Phi này.
“Chúng tôi cho rằng, để đảm bảo sự ổn định cho tiến trình đi tìm giải pháp chính trị toàn diện cho Libya, điều kiện tiên quyết là các nhân tố bên ngoài tránh can thiệp vào Libya, nhất là những sáng kiến có lập trường khác biệt”, ông Lavrov nói.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga khẳng định, cuộc khủng hoảng Libya chỉ có thể giải quyết được thông qua đối thoại nội bộ giữa các lực lượng và phe phái đang kiểm soát đất nước Libya.
Là một quốc gia giàu dầu mỏ, song Libya lại đang bị chia rẽ sâu sắc, với sự tồn tại của hai chính quyền. Một là Chính phủ đoàn kết dân tộc ở Tripoli được Liên Hợp Quốc ủng hộ và nhận được sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar. Ở phía Đông là các lực lượng do tướng Khalifa Haftar dẫn đầu, được sự hậu thuẫn về quân sự của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Ai Cập, cũng như sự ủng hộ chính trị của Pháp và Nga./.