Mark Sleboda – cựu binh và chuyên gia an ninh Mỹ, cho rằng các lực lượng quân sự của chính phủ Syria và đồng minh của họ đủ khả năng tái chiếm Idlib và khôi phục sự kiểm soát của Damascus đối với tỉnh này, nhưng với cái giá phải trả nhất định.

Sleboda dự đoán một kịch bản đóng băng xung đột và giải thích rằng một cuộc xung đột ở Libya có thể là lá bài để mặc cả với Thổ Nhĩ Kỳ.

linh_tho_nhi_ky_afp_kmbb.jpg
Lính Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tập trung một lực lượng quân sự đáng kể ở tỉnh Idlib và đã đe dọa sẽ kích hoạt một chiến dịch trong vùng vào cuối tháng 2/2020 nếu như Syria không ngừng cuộc tiến công và rút quân về phía sau các vị trí quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố với những người cùng đảng của mình tại buổi tụ họp hôm 19/2: “Một chiến dịch ở Idlib đang cận kề. Chúng ta đang đếm ngược; chúng ta đang đưa ra các lời cảnh báo cuối cùng”.

Trong khi đó, chính quyền Syria đã và đang thực hiện trong một thời gian dài việc truy quét các phần tử khủng bố ở trong vùng, điều mà người Thổ Nhĩ Kỳ lẽ ra đã nên làm theo thỏa thuận Sochi vào tháng 9/2018.

Thế cân bằng lực lượng giữa các phe phái ở Idlib

Cựu binh Mỹ Mark Sleboda nhận định: “Về dài hạn, chính quyền Syria có đủ sức mạnh quân sự để tái chiếm Idlib với sự trợ giúp của các đồng minh là Nga và Iran. Tuy nhiên, họ có thể phải mất tới vài năm mới hoàn thành được nhiệm vụ này. Idlib hiện do nhóm Hayat Tahrir al-Sham kiểm soát tới 90%, bao gồm cả ngoại vi tỉnh Latakia”.

Miêu tả thế cân bằng sức mạnh ở tỉnh Idlib, nhà phân tích Sleboda chỉ rằng bên cạnh Hayat Tahrir al-Sham và các nhóm phiến quân thánh chiến thuộc tổ chức này, còn có đảng Hồi giáo Turkistan và nhóm Hurras al-Din. “Có khoảng 50.000 chiến binh thánh chiến được vũ trang ngay tại đó”.

Ngoài các lực lượng này, còn có một đội ngũ lớn do Thổ Nhĩ Kỳ điều tới, đó là Mặt trận Giải phóng Quốc gia (Jabhat al-Wataniya Lil-Tahrir), và “Quân đội Quốc gia Syria” (SNA) để giữ vững Idlib trước đòn tiến công của chính phủ Syria. Sleboda nhấn mạnh, hai lực lượng này bao gồm các tàn quân của các nhóm thánh chiến khác nhau hoạt động từ năm 2011 trên thực địa và có số lượng lên tới 50.000-80.000 chiến binh vũ trang. Theo Sleboda, các nhóm này đóng chủ yếu tại khu vực hành lang Jarabulus và Afrin, mà nơi này nằm dưới sự chiếm đóng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sleboda nêu thêm: “Ngoài ra, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ còn gửi tới Idlib thêm 9.500 quân và khoảng 1.500 xe quân sự, bao gồm xe tăng, pháo, lựu pháo, xe thiết giáp chở quân”.

“Như vậy hiện nay, tổng cộng có thể có khoảng 100.000 chiến binh ở Idlib chống cự lại đà tiến của quân đội Syria”.

Trước đối phương như vậy, chính quyền Syria và đồng minh chỉ có thể tái chiếm Idlib sau khi giao tranh quyết liệt và chấp nhận thương vong lớn.

Trong khi đó, Damascus đã đạt được một trong các mục tiêu lớn của mình, đó là giành quyền kiểm soát đối với quốc lộ M5 dài 450km vắt qua đất nước từ phía bắc xuống phía nam, từ Aleppo tới Damascus và nằm ở biên giới với Jordan.

Theo Sleboda, bước quan trọng thứ 2 sẽ là giành lấy quốc lộ M4 chạy từ M5 ở Idlib tới tỉnh duyên hải Latakia, nơi đã gần như nằm hoàn toàn dưới sự kiểm soát của chính quyền Syria ngoại trừ một số khu vực.

Chuyên gia Sleboda nhấn mạnh, theo thỏa thuận Sochi giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 9/2018, các tuyến đường M4 và M5 đáng lẽ đã phải được mở cửa cho giao thông dân sự, và các phần tử khủng bố trong vùng phải bị tước bỏ các vũ khí hạng nặng. Tuy nhiên cả hai mục tiêu này đều chưa đạt được.

>> Xem thêm: Khó có khả năng Mỹ hỗ trợ quân sự cho Thổ ở Idlib

Xung đột Libya và Syria xoắn xuýt vào nhau

Xung đột Thổ Nhĩ Kỳ-Syria trong vấn đề Idlib và việc Ankara can dự vào Libya tan tác vì chiến tranh, đứng cùng phe với Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) ở Libya, tới một chừng mực nào đó là bện chặt vào nhau, theo cựu binh Mỹ Sleboda.

Theo chuyên gia Mỹ này, Ankara đối diện với những khó khăn cụ thể trên thực địa ở Libya vì ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, nước duy nhất ủng hộ chính quyền đóng tại thủ đô Tripoli là Qatar. Ông nói rõ rằng GNA hiện chỉ kiểm soát có Tripoli và Misrata bị bao vây bởi “Quân đội Quốc gia Libya” do Nguyên soái Khalifa Haftar chỉ huy.

Ngược lại, Haftar lại nhận được sự hậu thuẫn của Nga, Saudi Arabia, UAE, Ai Cập, Pháp, và có thể cả Italy nữa.

Nhà phân tích nhận xét: “Lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ trong cả 2 xung đột này liên quan đến không chỉ lợi ích quốc gia mà còn cả vấn đề hệ tư tưởng”.

Sleboda cho rằng Nga có thể dùng lá bài Libya để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các nhượng bộ liên quan đến Syria và cụ thể là Idlib.

Kịch bản đóng băng xung đột ở Idlib

Theo Sleboda, ngoài vấn đề kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ còn có các tham vọng địa chính trị liên quan tới ý thực hệ tân Ottoman.

Sleboda nhấn mạnh: “Trong trường hợp này, tham vọng địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, Iraq, và nơi khác là mâu thuẫn với quan hệ kinh tế tốt đẹp giữa họ và Nga. Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng chưa làm tròn các điều khoản trong thỏa thuận Sochi. Nga tiếp tục nhẫn nại không ngờ với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng Nga cũng đã bắt đầu lên giọng một chút trước các tuyên bố của Erdogan chống lại Nga, và các lực lượng chính phủ Syria ở Idliba đã ra tay cứng rắn hơn”.

Sleboda dự báo quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục xấu đi nhưng họ “sẽ cố gắng tránh xung đột quân sự trực tiếp”.

Sleboda cho rằng khả năng lớn nhất ở Idlib là một sự đóng băng mới đối với xung đột. “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sử dụng lực lượng quân sự và lực lượng ủy nhiệm để tạo ra một tuyến kiểm soát mới ở Idlib, với sự thực thi chặt chẽ hơn, nhằm ngăn lực lượng Syria và Nga lấn tới”.

Sleboda nhấn mạnh rằng nếu người Thổ Nhĩ Kỳ khôn ngoan thì họ không nên nhắm tới quốc lộ M4 – đây chắc chắn là mục tiêu giải phóng tiếp theo của quân đội Syria và Nga, điều rất quan trọng đối với kinh tế và an ninh quốc gia của Syria.

Sleboda dự báo, nếu xảy ra kịch bản đóng băng, sẽ xảy ra thêm các vụ quân Thổ Nhĩ Kỳ dùng pháo tấn công quân Syria, nhưng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn tránh đụng độ trực tiếp.

Sleboda đưa ra khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dàn xếp với lực lượng al-Qaeda để lực lượng này công khai giải tán, từ đó giúp Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng không còn phần tử cực đoan ở Idlib./.