Mặc dù Joe Biden không nêu chi tiết về các ưu tiên hạt nhân của ông, nhưng ứng cử viên này cam kết sẽ khiến Mỹ giảm bớt sự phụ thuộc vào một trong những loại vũ khí nguy hiểm nhất thế giới.
Trump theo đuổi việc hiện đại hóa vũ khí hạt nhân
Quan điểm của hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ về chính sách và chiến lược phát triển vũ khí hạt nhân đóng vai trò quan trọng khi cuộc bầu cử đang đến gần, bởi Mỹ đang trong giai đoạn bước ngoặt về việc quyết định tương lai kho vũ khí hạt nhân của nước này và cũng bởi những tranh cãi ngày càng gia tăng về mối đe dọa do những tiến triển mà hai đối thủ Nga và Trung Quốc đạt được trong lĩnh vực hạt nhân.
Quan chức cấp cao phụ trách vấn đề hạt nhân tại Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, Trung Quốc - nước có lực lượng hạt nhân tương đối nhỏ nhưng thời gian gần đây đã phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, là lý do hàng đầu khiến Mỹ phải dốc toàn lực để hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân.
Ông Charles Richard, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ ngày 14/9 cho biết: “Chúng ta sắp bước vào một thế giới khác. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, chúng ta phải mặt với hai đối thủ cạnh tranh lớn về năng lực hạt nhân”. Trong tuyên bố đưa ra, ông Charles Richard muốn nói đến Nga - quốc gia từ lâu đã là đối thủ ngang hàng với Mỹ về năng lực hạt nhân, tiếp đến là Trung Quốc - nước đã đưa chiến lược phát triển vũ khí hạt nhân vào danh sách ưu tiên.
Vài ngày sau đó, ông Richard cảnh báo rằng, Trung Quốc có thể trở thành đối thủ ngang tầm với Mỹ vào cuối thế kỷ này. Tuy nhiên, một số ý kiến khác đánh giá, đà bắt kịp Mỹ của Trung Quốc có thể chậm hơn. Bộ Quốc phòng Mỹ thời gian gần đây cho biết, Bắc Kinh có thể tăng gấp đôi kho vũ khí hạt nhân của nước này trong vòng 10 năm tới, nhưng vẫn sẽ kém xa so với Mỹ.
Khi lên nắm quyền vào năm 2017, ông Trump dành rất ít sự quan tâm cho vấn đề hạt nhân, nhưng một năm sau đó, chính quyền của ông đã công bố tài liệu về chính sách hạt nhân mà Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá phần lớn giống với đường hướng của chính quyền cựu Tổng thống Obama. Tuy nhiên, ông Trump đã bổ sung thêm hai loại vũ khí mới và tăng cường ngân sách cho việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân - mức chi tiêu mà ông Joe Biden cho là “quá lớn”.
“Kho vũ khí hạt nhân của chúng ta đang ở trạng thái tốt nhất trong nhiều thập kỷ qua”, Tổng thống Trump nhấn mạnh trong một tuyên bố vào tháng 9. Nhưng theo đánh giá của quân đội Mỹ, nhiều khí tài chính trong kho vũ khí hạt nhân của nước này đã trở nên lỗi thời và cần được thay thế.
Trước đó vào năm 2019, khi trả lời báo chí ông Trump tự hào cho biết, Mỹ đã chế tạo được một vũ khí hạt nhân bí mật mà cả Nga và Trung Quốc đều chưa từng biết đến.
Giới quan sát cho rằng, nếu đắc cử, ông Trump sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, vốn được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng, bất chấp sức ép gia tăng về mặt ngân sách. Điều chưa rõ là việc ông Trump sẽ tiếp cận vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân như thế nào và giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên ra sao.
Chính quyền Tổng thống Trump đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga và chưa sẵn sàng gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới (New START, mà phía Nga gọi là START-3) vốn được ký kết từ thời cựu Tổng thống Obama.
Biden đi ngược lại với chính sách hạt nhân kéo dài nhiều thập kỷ
Còn nhớ, chỉ vài ngày trước khi ông Trump bước vào Nhà Trắng, ông Biden khi đó còn là Phó Tổng thống Mỹ đã cảnh báo chính quyền mới sẽ từ bỏ cách tiếp cận của Tổng thống Obama.
“Nếu ngân sách quốc phòng trong tương lai đảo ngược những lựa chọn mà chúng ta đưa ra và đổ thêm tiền vào việc xây dựng kho vũ khí hạt nhân thì điều đó có nguy cơ kéo nước Mỹ quay trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nó cũng không giúp ích gì cho việc tăng cường đảm bảo an ninh của Mỹ hoặc các đồng minh”, ông Joe Biden cho biết trong bài phát biểu ngày 11/1/2017 tại trụ sở của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế.
James Acton, một chuyên gia hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, cho rằng quan điểm của ông Biden về vũ khí hạt nhân có phần khác biệt hơn so với phần lớn các thành viên trong đảng Dân chủ. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ông ấy sẽ thay đổi chính sách hạt nhân cơ bản của Mỹ.
“Trên thực tế, có rất nhiều sức ép để duy trì tình trạng hiện tại”, James Acton nói.
Ứng cứ viên Biden theo đuổi quan điểm cho rằng, vũ khí hạt nhân chỉ nên đóng một vai trò nhỏ trong chiến lược quốc phòng và mục tiêu cuối cùng là phải tạo ra một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Song ông không nói rõ ông sẽ thực hiện điều này như thế nào.
Joe Biden cho biết, ông phản đối quyết định của chính quyền Tổng thống Trump chế tạo và triển khai hai loại tên lửa trang bị đầu đạn hạt nhân công suất thấp. Một loại là tên lửa hành trình phóng từ trên biển, dự kiến sẽ được triển khai trên thực địa trong vài năm tới. Một loại khác là tên lửa đạn đạo tầm xa đã được Hải quân Mỹ tích hợp trên tàu ngầm gần một năm về trước.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden cũng khẳng định theo đuổi chính sách “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước”. Điều này đồng nghĩa với việc không khơi mào cho một cuộc chiến tranh hạt nhân và trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, Tổng thống Mỹ có thế lựa chọn các biện pháp đáp trả, nhưng sẽ không phải là đòn tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân. Quan điểm này đi ngược lại với chính sách lâu nay của Mỹ về việc sẽ là nước sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên trong một cuộc khủng hoảng hạt nhân. Tổng thống Barack Obama trước đó cũng bác bỏ quan điểm này.
Ban vận động tranh cử của ông Biden cũng từng đưa ra một số tuyên bố về chính sách hoặc chiến lược hạt nhân. Trên trang web chính thức của mình, đội ngũ tranh cử của ông Biden cho rằng, “mục đích duy nhất của việc phát triển vũ khí hạt nhân mà Mỹ đang theo đuổi là răn đe và trong trường hợp cần thiết sẽ dùng để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân. Nếu đắc cử Tổng thống, ông Biden sẽ nỗ lực đưa niềm tin này thành thực tiễn, kết hợp với việc tham vấn quân đội và các đồng minh”.
Trước đó, ứng cử viên Tổng thống này nhấn mạnh, chi phí cho việc hiện đại kho vũ khí hạt nhân của Mỹ nên ở thấp hơn mức kinh phí 1,2 nghìn tỷ USD dự trù ở thởi điểm hiện tại. Một số ý kiến đồn đoán, ông Biden sẽ xem xét từ bỏ kế hoạch của Mỹ xây dựng lực lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa hạt nhân mới, để thay thế hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Minuteman III. Kế hoạch này dự kiến tiêu tốn ít nhất 85 tỷ USD./.