Đến thời điểm này, số người thiệt mạng trong vụ khủng bố này đã lên đến 148 người, trong đó có 142 sinh viên. Ngoài ra, vụ việc còn làm 104 người bị thương, trong đó có 19 người trong tình trạng nguy kịch.

Còn đối với những gia đình có người thân bị mất tích thì họ vẫn không từ bỏ hy vọng tìm được con em mình. Hôm 4/4, hàng chục người bắt đầu tới sân vận động quốc gia Nyayo ở thủ đô Nairobi –nơi đặt trung tâm xử lý khủng hoảng của Hội chữ thập đỏ để tìm kiếm thông tin về thân nhân của mình. 

kenya_reuters_500_vktq_wvdp_watj.jpgLực lượng cứu thương tại hiện trường. (Ảnh: Reuters)

Một người dân có thân nhân bị mất tích cho biết: "Sau khi cuộc tấn công xảy ra, tôi đã cố gọi điện cho con gái tôi, nhưng không ai trả lời máy mặc dù điện thoại đổ chuông. Tôi đã cố tìm kiếm con tôi trong hai ngày qua vì con tôi cũng không gọi điện về nhà”.

 Thân nhân của một sinh viên khác bị mất tích cho biết, anh đã xem danh sách những người thiệt mạng và không thấy tên người thân của mình. Do đó, anh đã đến đây để mong có thêm thông tin về người thân của mình.

Vụ tấn công trường Cao đẳng Garissa là vụ thảm sát tồi tệ nhất tại Kenya kể từ vụ đánh bom của tổ chức Al- Qaeda nhằm vào đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Nairobi năm 1998, khiến 213 người thiệt mạng.

Nhóm vũ trang Hồi giáo Al- Shabab, một nhánh của tổ chức khủng bố An Kê-đa, đã nhận trách nhiệm vụ tấn công. Bộ Nội vụ Kenya treo thưởng 220.000 USD cho bất kỳ ai cung cấp thông tin về người đàn ông được cho là kẻ chủ mưu, có tên Mohamed Mahamud, bí danh là Gamadhere. Người này từng nhận trách nhiệm vụ tấn công xe buýt hồi tháng 11/2014, khiến 28 người thiệt mạng.

Bộ trưởng Nội vụ Kenya Joseph Nkaissery ngày 4/4 cũng thông báo bắt giữ thêm 3 nghi phạm trong vụ tấn công trường Cao đẳng Garissa. Như vậy, đến nay số nghi phạm bị bắt giữ đã là 5 người. Những nghi phạm này bị bắt giữ khi đang trên đường trốn chạy đến biên giới giáp Somalia./.