Hằng năm, vào dịp lễ Ramadan của người Hồi giáo, những người ăn xin từ khắp nơi lại đổ về thủ đô Jakarta vì biết rằng đây là thời điểm dễ xin nhất. Tuy nhiên, năm nay, chính quyền Jakarta đang triển khai chiến dịch loại bỏ làn sóng ăn xin theo mùa vụ vì cho rằng, nhiều người nằm trong các băng nhóm có tổ chức và đơn giản chỉ lợi dụng lòng tốt của người khác, đặc biệt trong dịp lễ Ramadan. Chính quyền còn giải thích rằng, người ăn xin đe dọa sự ổn định của Jakarta, thành phố quan trọng nhất nước. Tháng lễ Ramadan bắt đầu từ ngày 22/8 và tính đến ngày 5/9, chính quyền Jakarta thu gom được gần 1.500 người ăn xin, hầu hết là phụ nữ và trẻ em đến từ bên ngoài. Người ăn xin được đưa vào các trung tâm phục hồi xã hội ở Kedoya, tây Jakarta.
Một người ăn xin trên đường phố Jakata |
Theo điều luật địa phương được sửa đổi năm 2007 theo yêu cầu của công chúng, không chỉ ăn xin trong thành phố là bất hợp pháp, mà người bố thí có thể bị phạt tới 20 triệu ruppe (35 triệu VND) và thậm chí bị kết án ba tháng tù. Tuy nhiên, đến nay, chính quyền mới chỉ bắt giữ 12 người vì bố thí cho người ăn xin. Những người này bị phạt ở mức nhẹ từ 20.000 rupee (35.000VND) đến 70.0000 rupee (125.000VND). Ông Budiharjo, Cục trưởng Cục Phúc lợi xã hội Jakarta, giải thích với báo chí: “Nếu ngừng việc bố thí, họ (người ăn xin) tự nhiên sẽ biến mất”. Ông Budiharj cho biết, các nhà điều tra còn phát hiện những kẻ đứng ra tổ chức cho dân làng tới Jakarta ăn xin trong tháng lễ Ramadan. Cơ quan chức năng đã bắt giữ một số điều phối viên ăn xin ở Jakarta và đang truy lùng những kẻ cầm đầu khác ở ngoài thành phố.
Tuy nhiên, giải pháp mới của chính quyền Jakarta đang vấp phải những sự phản ứng trái chiều. Theo tờ Jakarta Post, giải pháp mới của chính quyền chưa mang lại hiệu quả vì số người ăn xin theo mùa từ ngoài Jakarta tràn vào vẫn gia tăng. Mặt khác, việc thực thi biện pháp cứng rắn để giải quyết nạn ăn xin ở một quốc gia còn nhiều người nghèo đói đang vấp phải sự chỉ trích từ một số tờ báo địa phương. Quan điểm của các tờ báo này là chính quyền cần hệ thống phúc lợi xã hội tốt hơn trước khi triển khai biện pháp trên. Jariyah, 39 tuổi, đi xe buýt tới Jakarta để ăn xin cùng con trai mới 16 tháng tuổi, phát biểu với báo chí: “Nên cho phép ăn xin. Chúng tôi đề nghị người thân giúp đỡ, nhưng chỉ được vài lần”.
Truyền hình Indonesia từng phát phóng sự đặc biệt về những người ăn xin chuyên nghiệp. Họ thậm chí làm giả cả vết thương, đủ để khiến người khác động lòng và bố thí tiền. Một gã ăn xin chuyên nghiệp trả lời phỏng vấn trên truyền hình rằng, gã kiếm được khoảng sáu triệu rupee (10 triệu VND) mỗi tháng nhờ ăn xin. Nhật báo Suara Pembaruan ngày 2/9 đưa tin, khoảng 80% các gia đình ở làng Pragaan Daya trên đảo Madura, là ăn xin chuyên nghiệp./.