Thủ tướng tạm quyền Mario Monti đã bày tỏ sẵn sàng tiếp tục lãnh đạo đất nước một lẫn nữa. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi cũng tuyên bố tranh cử nhiệm kỳ thứ 4 trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới tại Italy. Động thái này nhận được sự phản ứng khác nhau trong dư luận Italy.

Về chính thức, ông Monti không thể làm ứng cử viên Thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức trong 2 ngày (24 và 25/2/2013) do hồi năm 2011, ông đã được bổ nhiệm làm Thượng nghị sĩ trọn đời. Nhưng theo hệ thống bầu cử của Italy, ông Monti có thể được phe thắng cử đề nghị tham gia vào chính phủ mới, thậm chí là với cương vị Thủ tướng.

Thủ tướng tạm quyền Mario Monti sẽ sẵn sàng tiếp tục lãnh đạo đất nước một lần nữa, nếu các lực lượng chính trị ủng hộ và thông qua các chương trình cải cách mà ông đưa ra.

Phát biểu trong cuộc họp báo cuối năm công bố nghị trình "Thay đổi Italy và cải cách châu Âu", ông Monti nhấn mạnh dù hiện giờ không thuộc vào bất cứ đảng phái chính trị nào nhưng nếu một lực lượng chính, hay liên minh đề xuất một chương trình đáng tin cậy thì ông sẵn sàng ủng hộ và nếu cần thiết là trở thành một nhà lãnh đạo.

Trong suốt 13 tháng cầm quyền, ông Monti, một cựu chuyên gia kinh tế đã cải thiện tình hình Italy, sau khi nước này gần như rơi vào khủng hoảng nợ công dưới thời Thủ tướng Berlusconi. Những biện pháp cắt giảm chi tiêu mà ông Monti áp dụng từ khi nắm quyền như cắt giảm chi tiêu, tăng thuế, nâng độ tuổi về hưu và cải tổ các nguyên tắc lao động nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc sa thải nhân công… giúp Italy đi đúng hướng trong việc giảm thâm hút ngân sách.

thu-tuong-monti.jpg
Thủ tướng tạm quyền Mario Monti. (ảnh: AFP)

Tuy nhiên, những chính sách này lại ít nhận được sự ủng hộ trong nước. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, những nỗ lực cải cách của ông vẫn còn quá rụt rè để cải thiện đáng kể triển vọng của nền kinh tế ảm đạm kéo dài của Italy. Chính ông Monti cũng nói rằng, Italy mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu của cuộc cải cách. Một người dân nói: “Ông Monti, ở một khía cạnh nào đó có thể nói là đã bán rẻ chúng tôi cho Đức. Lựa chọn tốt hơn sẽ là ông Berlusconi”.

Trong khi đó, nhiều người ủng hộ việc ông Monti có thể tiếp tục lãnh đạo đất nước. Họ cho rằng, việc liên tục thay đổi nhà lãnh đạo đất nước sẽ khiến cho những chính sách đang được thực hiện bị dang dở. Một người dân bày tỏ: “Tôi sẽ để ông Monti đi tiếp. Tôi mới 18 tuổi nhưng cũng giống như mọi người, tôi có suy nghĩ riêng của mình. Tôi tin là nếu một ứng cử viên đã từng là người đứng đầu chính phủ, ông nên được tiếp tục với các kế hoạch của mình, vì nếu chúng ta liên tục thay đổi lãnh đạo mỗi 2 năm, chúng ta sẽ có kết cục như Tây Ban Nha và giết chết chính mình, vì sẽ chẳng còn điều gì khác để làm”.

Trong khi đó, việc cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi tuyên bố tranh cử nhiệm kỳ 4 cũng khiến châu Âu lo ngại rằng chính phủ mới của Italy sẽ không tiếp tục các chương trình cải cách kinh tế. Cuộc phục kích của chính trị gia lão luyện 76 tuổi Berlusconi đối với chính phủ kỹ trị của Thủ tướng Monti một lần nữa đe dọa đưa Italy trở lại “mặt trận khủng hoảng nợ”.

Italy, nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực đồng euro đã rơi vào suy thoái từ giữa năm 2011, chi tiêu của người tiêu dùng giảm xuống với tốc độ nhanh nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2 và tỷ lệ thất nghiệp lên tới mức cao kỷ lục trên 11%. GDP của Italy dự kiến sẽ giảm 2,3% năm nay, tồi tệ nhất trong khối Euro. Hãng Standard & Poor’s cho biết kinh tế Italy sẽ suy giảm tiếp năm 2013./.