Sau khi Thủ tướng Italy Mario Monti đệ đơn từ chức sau 13 tháng cầm quyền - động thái mở đường cho việc Tổng thống nước này Giorgio Napolitano kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử, dự kiến vào ngày 24/2 năm tới (2013), người dân Italy đã có những phản ứng xung quanh quyết định này.

“Tôi nghĩ rằng, ai giữ cương vị này chẳng gặp những chỉ trích này nọ. Theo tôi, ông Monti đã cố gắng hết sức và đã làm được điều gì đó. Việc ông Monti từ chức là một quyết định sai lầm. Dù sao, tôi hy vọng những điều tốt đẹp hơn, nhưng tôi vẫn không hài lòng việc ông Monti từ chức”.

“Có thể ông ấy làm chưa tốt, song không đến nỗi phải từ chức sớm như vậy. Ít ra ông ấy cũng phải đợi cho đến gần các cuộc bầu cử năm tới đã. Có thể lúc đó, mọi việc sẽ khác”.

Từng là một cố vấn của ngân hàng Goldman Sachs Group Inc và là cựu Uỷ viên Liên minh châu Âu (EU), ông Monti đã áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng trị giá 20 tỷ euro (26,5 tỷ USD) trong thời gian còn làm thủ tướng chính phủ kỹ trị. Những chính sách này đã giúp Italy đi đúng hướng trong việc cắt giảm thâm hụt ngân sách trong năm nay xuống mức dưới 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo quy định của Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, những chính sách này lại giành được ít sự ủng hộ ở trong nước.

Một cuộc thăm dò mới đây cũng cho thấy 62,5% số người dân Italy không ủng hộ chính phủ kỹ trị của ông Monti. Chính quyết định tăng thuế, cắt giảm chi tiêu, nâng độ tuổi về hưu và cải tổ các nguyên tắc lao động nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc sa thải nhân công đã khiến nhiều người Italy phản đối bằng những cuộc biểu tình. /.