Tính tới thời điểm hiện nay, Italy đã tiếp nhận số người di cư cao hơn 10% so với cùng kỳ năm 2016. Những khu trại tạm của người di cư “mọc lên như nấm” tại khắp các thành phố của Italy.
Từ đầu năm đến nay, 110.000 người di cư đã tới Italy sau hành trình vượt Địa Trung Hải. Từ tháng 6 vừa qua, tận dụng thời tiết nóng và điều kiện trên biển thuận lợi số thuyền chở người di cư vượt Địa Trung Hải hướng tới Italy không ngừng gia tăng. Sức ép từ làn sóng người di cư khổng lồ đã kéo theo những lo ngại về an ninh và xã hội tại quốc gia này.
Italy đang bị đẩy vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong khi chờ đợi Liên minh châu Âu tìm kiếm các giải pháp đối phó với cuộc khủng hoảng di cư, theo đó quyết định số phận của những người xin tịn nạn chính trị hoặc kinh tế.
Nhiều người di cư nuôi hy vọng sau khi đặt chân tới Italy có thể tiến tục đi về phía Bắc tiến sâu hơn vào châu Âu. Tuy nhiên, cơ chế và hệ thống phân bổ người tị nạn thất bại của Liên minh châu Âu đã khiến nhiều người di cư mắc kẹt tại Italy.
Nhà phân tích Italy về cuộc khủng hoảng di cư Francesco Cherubini nói: “Khi những người di cư tới được Italy, hầu hết họ phải ở lại đây vì hệ thống phân bổ không hiệu quả của Liên minh châu Âu. Để đối phó với vấn đề này, chính phủ Italy đôi khi không cả kiểm soát hay lấy dấu vân tay của người di cư mà cứ thế đẩy họ tới các nước châu Âu khác”.
Các nhà phân tích nhận định rằng vấn đề người di cư đang được cò kè mặc cả trên bàn đàm phán của các nước châu Âu, trong khi hầu hết quyền lợi của người tị nạn đều bị phớt lờ.
Nhà nghiên cứu nhân khẩu học tại trường Đại học Rome Elena Ambrosetti nhìn nhận:“Vấn đề mấu chốt trong các cuộc tranh luận giữa những nước Liên minh châu Âu là sự chia sẻ trách nhiệm và tiếp nhận người di cư. Các nước đã thảo luận trong thời gian dài về hàng rào nhân đạo và việc cho phép người di cư nộp đơn xin tị nạn. Tuy nhiên, những người di cư hầu như không có cơ hội để làm điều này”.
Italy đến nay vẫn không ngừng tiếp nhận các tàu chở người di cư, thì các nước bên bờ Địa Trung Hải khác như Tây Ban Nha, Pháp và Bỉ lại từ chối tiếp nhận. Thậm chí Áo còn nhiều lần nhắc lại rằng nước này sẽ đóng cửa biên giới để kiểm soát dòng người nhập cư, đồng thời cảnh báo sẽ gửi quân đội tới khu vực biên giới với Italy.
Tuần trước, Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen lên tiếng kêu gọi Liên minh châu Âu nhanh chóng hành động để ngăn chặn cuộc khủng hoảng người di cư có thể xảy ra tại nước láng giềng Italy.
Ông Bellen tin tưởng Liên minh châu Âu sẽ dành sự hỗ trợ cần thiết cho Italy và các nước láng giềng, không để họ phải tự mình đối phó với vấn đề này. Riêng với Italy, Tổng thống Áo khuyến nghị chính phủ nước này phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình ở Libya cũng như tiến hành đối thoại với chính phủ các nước châu Phi.
Hiện một số nước châu Âu đã đặt vấn đề rằng các nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo ở khu vực Địa Trung Hải không thể được xem là “tấm vé” cho những người di cư tới khu vực Trung Âu.
Trong đó, Bỉ sẽ rút tàu khu trục của nước này khỏi sứ mệnh chống mạng lưới buôn người của Liên minh châu Âu (EU) trên vùng biển Địa Trung Hải gần với Libya. Giải thích cho quyết định này, Bộ Di trú Bỉ cho biết, chính sự hiện diện của tàu hải quân các nước châu Âu đã khuyến kích người di cư thực hiện hành trình vượt biển nguy hiểm này./.
Người tị nạn vẫn đổ về châu Âu, chính sách di cư của EU đã thất bại?