“Cuộc tấn công như vậy sẽ đòi hỏi phải có ngân sách và phân bổ lại các nguồn lực”, nguồn tin chính phủ Israel nói với kênh truyền hình 12, đồng thời cho biết thêm giới chức an ninh Israel tin rằng ông Raisi sẽ có các quan điểm cứng rắn về chính sách hạt nhân và ngoại giao mà Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei thúc đẩy.
Trước đó, Israel nói rằng cộng đồng quốc tế cũng nên lo ngại về việc ông Ebrahim Raisi trở thành tổng thống Iran. Một số quan chức cấp cao Israel đã chỉ trích mạnh mẽ tổng thống đắc cử của Iran, trong đó Ngoại trưởng Yair Lapid đã mô tả ông Raisi là “một nhân vật cực đoan”.
“Việc ông ấy đắc cử sẽ khơi lại quyết tâm [của Israel] trong việc dừng ngay lập tức chương trình hạt nhân Iran và đặt dấu chấm hết cho những tham vọng hủy hoại khu vực”, ông Lapid tuyên bố trên Twitter.
Quan hệ giữa Israel và Iran trở nên căng thẳng kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Tehran. Thời điểm đó, lãnh tụ tối cao Ayatollah Khomeini có lập trường chống Israel gay gắt và cắt đứt tất cả quan hệ với nước láng giềng. Nhiều năm qua, hai bên thường xuyên có những hành động ăn miếng trả miếng với nhau nhưng vẫn tránh để xảy ra xung đột quân sự trực tiếp.
Quan hệ giữa 2 bên xấu đi nghiêm trọng do chương trình hạt nhân của Iran mà Israel cho là mối đe dọa. Năm 2015, Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đã ký Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran. Theo thỏa thuận này, Iran hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lại việc dỡ bỏ các trừng phạt kinh tế và cấm vận vũ khí.
Israel phản đối gay gắt JCPOA. Chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho rằng thỏa thuận này “không cản đường Iran” trong việc phát triển bom hạt nhân mà ngược lại còn mở đường cho Tehran.
Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump năm 2018 đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân bất chấp sự chỉ trích cũng như cảnh báo từ các bên còn lại trong thỏa thuận. Dù vậy, chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden tuyên bố ý định trở lại JCPOA./.