Các công tác chuẩn bị cho việc khai trương Đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem vào tuần tới đang dần hoàn tất bất chấp cảm xúc của người Palestine, cộng đồng Arab, phớt lờ yêu cầu quốc tế không để chạm vào trạng thái của thành phố.
Thị trưởng Jerusalem Nir Barkat đích thân đặt tấm biển chỉ đường tới ĐSQ Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Thị trưởng thành phố Jerusalem Nir Barkat đã quyết định đổi tên quảng trường trước cửa Đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem thành tên Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông cho rằng đó là cách để thể hiện tình yêu của người Israel và tôn trọng tổng thống Mỹ và nhân dân Mỹ, những người luôn bên cạnh Israel.
Trong khi đó, quốc kỳ Mỹ và Israel cũng đã được căng trên các tuyến phố gần tòa nhà lãnh sự quán Mỹ ở Jerusalem. Tên Đại sứ quán Mỹ được dịch ra ba thứ tiếng: tiếng Do Thái, tiếng Arab và tiếng Anh. Thị trưởng thành phố Jerusalem nói rằng việc mở Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô vĩnh cửu là sự kiện lịch sử của dân tộc Do Thái và nhấn mạnh rằng việc di chuyển không còn chỉ là một giấc mơ mà đã trở thành hiện thực vào tuần tới.
Trong một động thái liên quan, Bộ Ngoại giao Israel tuyên bố, có khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump không tham dự lễ khai trương Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem và chỉ ra rằng một nhân vật cao cấp từ Washington sẽ tham dự mà không chỉ định danh tính. Trước đó, ông Donald Trump đã ám chỉ có thể sẽ ghé thăm Jerusalem trong tháng 5.
Theo kế hoạch, Đại sứ quán Mỹ sẽ tạm thời đặt tại khu vực Arnona ở Jerusalem và sẽ dần hoàn thiện việc xây dựng khu phức hợp văn phòng tại đây cho phép Đại sứ và hầu hết các nhân viên đại sứ quán có thể sống và làm việc. Về lâu dài, các quan chức Israel hy vọng rằng quá trình lựa chọn địa điểm, thiết kế, lập kế hoạch, xin giấy phép và xây dựng một đại sứ quán cố định sẽ mất nhiều năm. Trước mắt, phần lớn các hoạt động của Đại sứ quán Mỹ vẫn ở Tel Aviv trong thời gian 6 năm tới, cho đến khi hoàn thành việc thành lập tòa nhà đại sứ quán.
Các nhà quan sát cho rằng, động thái trên cho thấy chính quyền Mỹ sẽ hành động và không quan tâm đến các hậu quả khi người Palestine và người Arap phản ứng. Trong những tuần qua, người dân Palestine đã tuần hành biểu tình phản đối mạnh mẽ việc Mỹ chuyển đại sứ quán tới Jerusalem. Nhiều cuộc đụng độ giữa binh sĩ Isarel và người biểu tình Palestine khiến hơn một nghìn người bị thương và hàng chục người thiệt mạng. Các phong trào ở Palestine tuyên bố tiếp tục biểu tình và leo thang hơn nữa.
Trong khi đó, Bí thư Ban Chấp hành Phòng trào giải phóng Palestine (PLO) ông Saeb Erekat cáo buộc Mỹ theo đuổi chính sách gây hỗn loạn quốc tế, phớt lờ luật pháp quốc tế, thông qua việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và di chuyển đại sứ quán tới Jerusalem.
Ông Saeb Erekat cho rằng, hành động này là vi phạm luật quốc tế, bao gồm cả Nghị quyết Hội đồng Bảo an 478 và các cam kết của Mỹ đối với tiến trình hòa bình. Ông Erekat kêu gọi tất cả các đại diện của các quốc gia, bao gồm cả ngoại giao đoàn và các thành viên xã hội dân sự, các cơ quan tôn giáo tẩy chay lễ khai mạc của Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem vào ngày 14/5 tới. Theo đại diện PLO sự tham dự buổi lễ này là thông điệp trực tiếp khuyến khích các vi phạm quyền bất khả xâm phạm của nhân dân Palestine và luật pháp quốc tế./.
Biển chỉ đường Đại sứ quán Mỹ tại Israel đã trỏ về Jerusalem
Hiệu ứng Domino: Nhiều nước theo Mỹ chuyển đại sứ quán tới Jerusalem