Ngày 15/12, nền kinh tế Ireland chính thức “thoát khỏi” gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để tự đứng trên đôi chân của chính mình.
Kinh tế Ireland được dự đoán sẽ tăng 2% trong năm tới và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn dưới 13% so với đỉnh điểm 15,1% trong năm 2012.
Bộ trưởng Tài chính Ireland Michael Noonan (phải) cảm ơn người dân nước này đã ủng hộ Chính phủ trong giai đoạn suy thoái (Ảnh: AP) |
Bộ trưởng Bộ Chi tiêu công và Cải cách Brendan Howlin cho biết: “Có nhiều người cho rằng Ireland sẽ không bao giờ có ngày hôm nay và sự thật là trong thời gian dài vừa qua, chính chúng tôi cũng có lúc nghi ngờ bản thân mình bởi những thách thức lớn hơn dự đoán của chúng tôi do những yếu tố bên ngoài tác động vào, đặc biệt là tình hình khu vực đồng euro trong 4 năm qua. Nhưng cuối cùng chúng tôi đã thành công”.
Bộ trưởng Tài chính Michael Noonan cho biết, một mặt, Ireland tiếp tục duy trì kỷ luật tài chính, mặt khác sẽ xem xét cắt giảm thuế trong kế hoạch ngân sách 2 năm tới để tạo thêm sức bật cho nền kinh tế này.
Theo ông Noonan, Ireland có thể giảm mức nợ công đỉnh điểm 124% Tổng sản phẩm quốc nội trong năm nay xuống 116% Tổng sản phẩm quốc nội trong năm sau.
Bộ trưởng Tài chính Ireland nhấn mạnh: “Đây là một cột mốc quan trọng mang lại cơ hội mới cho Ireland. Người dân Ireland đã phải hi sinh rất nhiều để đưa đất nước này ra khỏi khủng hoảng. Điều đó không hề dễ dàng. Thay mặt chính phủ tôi xin cam kết với người dân Ireland rằng điều đó không bao giờ xảy ra nữa”.
Chính phủ Ireland thậm chí đủ tự tin tiếp tục triển khai cải cách mà không cần quỹ tín dụng dự phòng để chống đỡ với những cú sốc của thị trường. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cảnh báo chính phủ Ireland vẫn phải hết sức thận trọng trong giai đoạn tiếp theo.
Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế Nevin Tom Healy cho biết: “Vấn đề vẫn tồn tại là tỷ lệ thất nghiệp cao, đời sống của người dân vẫn chưa được cải thiện và có khả năng tiếp tục giảm sút. Vì thế vẫn khó có thể chứng kiến tăng trưởng nhanh chóng trở lại với Ireland cho đến khi kinh tế châu Âu nói chung được cải thiện và chính phủ Ireland có những chính sách thúc đẩy tăng trưởng nhiều hơn nữa”.
Thoát khỏi các gói cứu trợ là thành tựu quan trọng của chính phủ Ireland song Thủ tướng Enda Kenny vẫn còn nhiều thách thức phải vượt qua để tiếp tục giữ được tín nhiệm của cử tri đến cuộc bầu cử đầu năm 2016.
Ireland là nước đầu tiên ở Liên minh châu Âu hoàn thành chương trình gói cứu trợ, tiếp theo trong năm tới có thể là Bồ Đào Nha. Trong khi đó, nước chịu khủng hoảng nợ công nặng nề nhất là Hy Lạp vẫn tiếp tục phải đối mặt với khó khăn và suy thoái, tuy nhiên, Athens cũng kỳ vọng sẽ đạt tăng trưởng nhẹ vào năm sau./.