Yêu cầu trên được đưa ra sau khi cộng đồng người Kurd ở Iraq tổ chức trưng cầu ý dân hôm 25/9 đòi độc lập khỏi Iraq. Cùng ngày, Hãng hàng không Trung Đông (Middle East Airline) đã công bố dừng các chuyến bay đến khu vực người Kurd ở miền Bắc Iraq.

hang_khong_gtbb.jpg
Một chiếc máy bay của Hãng hàng không Trung Đông. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Thủ lĩnh người Kurd ở Iraq Massoud Barzani kêu gọi Chính phủ Iraq xây dựng quan hệ láng giềng hữu nghị với khu vực người Kurd và tôn trọng ý chí của nhân dân, đồng thời bày tỏ không muốn có những vấn đề rắc rối đối với các nước láng giềng.

Ông Barzani cho rằng, cuộc trưng cầu ý dân vừa qua không mâu thuẫn với Hiến pháp Iraq cũng như kêu gọi Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi mở cửa đối thoại và sẵn sàng đối thoại với chính quyền ở Baghdad.

Trong một động thái liên quan, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định ủng hộ mạnh mẽ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq trong bối cảnh của một cuộc trưng cầu ý dân vừa được thực hiện bởi cộng đồng người Kurd với đại đa số cử tri ủng hộ tách ra khỏi Iraq.

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng điều quan trọng là tránh bất ổn trong khu vực sau khi trưng cầu ý dân diễn ra. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, tất cả các vấn đề tồn tại giữa Chính phủ Iraq và khu vực người Kurd tự trị có thể và phải được giải quyết thông qua đối thoại mang tính xây dựng và tôn trọng để đạt được sự ổn định trong một quốc gia thống nhất của Iraq.

Phản ứng về vấn đề này, các chuyên gia và cựu quan chức Mỹ cho rằng cuộc trưng cầu ý dân ở khu vực người Kurd đã giáng một đòn đối với Mỹ khi nước này cố gắng ngăn chặn sự tan rã của Iraq và đã phải chi hàng tỷ USD cùng sự hy sinh mạng sống của hàng ngàn binh sĩ.

Các quan chức Mỹ nói rằng các nỗ lực ngoại giao đã không thuyết phục được các nhà lãnh đạo người Kurd - một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông hủy bỏ cuộc trưng cầu ý dân. Điều này là bằng chứng mới cho thấy sự suy giảm quyền lực của Mỹ ở khu vực./.