Tuyên bố của Iraq đưa ra sau khi Mỹ thông báo sẽ triển khai khoảng 100 binh lính đặc nhiệm tới Iraq để đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, trong khi 2 thượng nghị sĩ Mỹ đề xuất tăng gấp 3 lần số lượng binh lính Mỹ tại Iraq.

Ông al-Abadi nhấn mạnh, Iraq không có bất cứ yêu cầu nào để triển khai lực lượng trên bộ tới nước này. Hiện chưa rõ những phát biểu của ông al-Abadi sẽ tác động thế nào đến việc triển khai quân đội Mỹ theo kế hoạch trong chiến lược chống IS. 

thu_tuong_iraq_pqwg.jpg
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi. (ảnh: AFP).

Lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu đã tiến hành các cuộc không kích chống IS tại Iraq từ tháng 8 năm 2014. Mỹ cung cấp vũ khí và đào tạo cho lực lượng an ninh Iraq, tuy nhiên việc triển khai một lực lượng đặc nhiệm tới Iraq sẽ làm sâu sắc hơn sự can dự này.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nhắc lại cam kết không tăng quân bộ chống IS. Tuy nhiên lực lượng đặc nhiệm Mỹ cũng có thể tiến hành các cuộc truy quét chống lại những nhóm cực đoan tại Syria và Iraq và nhiều quân dự kiến sẽ được triển khai thêm.

Steve Warren- người phát ngôn của lực lượng liên quân Mỹ tại Iraq hôm qua cho biết sẽ tham vấn chặt chẽ với chính phủ Iraq và nhấn mạnh sáng kiến mới này sẽ không phải là chiến dịch chủ chốt trên bộ.

Ông Warren nói: ”Đây không phải là một chiến dịch chủ chốt trên bộ . Chúng tôi sẽ nói về tăng số lượng người tại Iraq để tiến hành các nhiệm vụ đặc biệt, đồng thời thực hiện các chiến dịch giới hạn nhằm vào những mục tiêu và kế hoạch cụ thể”.

Sự hiện diện của lực lượng bộ binh Mỹ là vấn đề căng thẳng tại Iraq nơi Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh gần 9 năm. Ông al-Abadi không trực tiếp bác bỏ việc triển khai lực lượng này những nhấn mạnh bất cứ chiến dịch nào cũng cần sự phối hợp với chính phủ Iraq. Thực tế Thủ tướng Iraq đang phải đối mặt với sức ép  trong nước liên quan đến vấn đề này.

Thủ tướng Iraq lên nắm quyền cách đây hơn một năm với sự ủng hộ của Mỹ và Iran nhưng cũng phụ thuộc nhiều vào các nhóm vũ trang Shiite . Tuy nhiên, những nhóm vũ trang này từ lâu đã có những bất đồng với lực lượng Mỹ kể từ năm 2003 và luôn phản đối sự triển khai của quân đội Mỹ.

Các đối tác chính trị của ông al-Abadi cũng cho biết sẽ không bao giờ chấp nhận việc mở rộng vai trò của quân đội Mỹ và khẳng định Thủ tướng không thể hành động một mình, sau khi Quốc hội rút lại sự ủng hộ đối với những chương trình cải cách  trong nước tháng trước.  

Một nghị sĩ Quốc hội Iraq cho biết, nếu ông al-Abadi đưa ra quyết định đơn phương thông qua việc triển khai lực lượng đặc nhiệm Mỹ sẽ dẫn đến một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Thêm vào đó, không phải tất cả người dân Iraq hoan nghênh  việc triển khai bộ binh, trong khi nhiều người dân Baghdad gọi đây là sự  “chiếm đóng mới”.

Một người dân Baghdad chia sẻ: “Ngày hôm nay với sự chiến thắng của lực lượng vũ trang Iraq chúng tôi không cần quân đội nước ngoài . Không cần người Mỹ, Đan Mạch, Italy hay Pháp người dân Iraq cũng có thể tự bảo đảm an ninh của mình".

Không chỉ đối mặt với sức ép trong nước, Thủ tướng al-Abadi cũng phải đối mặt với sức ép của phương Tây- nhà tài trợ chính cho quân đội Iraq. Chính vì vậy, chuyên gia phân tích tại Baghdad Ahmed Younis cho rằng, sẽ là nhiệm vụ không thể cho ông al-Abadi để tìm sự thỏa hiệp. Nếu Thủ tướng al-Abadi chấp nhận triển khai lực lượng đặc nhiệm Mỹ, ông đang tạo cơ hội cho nhóm đối lập chống lại chính mình.  

Một số lãnh đạo nhóm vũ trang khác cũng cho rằng bất cứ ai thông qua sự hiện diện quân đội Mỹ tại Iraq sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc khơi mào một cuộc nội chiến.  

Trong khi những cảnh báo này có thể là quá sớm nhưng giới phân tích cũng nhận định sự tăng cường hiện diện trực tiếp của quân đội Mỹ- thậm chí ở qui mô nhỏ có thể khơi mào cho những bất ổn cũng như ảnh hưởng đến các cơ hội để kiềm chế xung đột phe phái tại Iraq./.