Thủ tướng Iraq Haidar Al-Abadi có chuyến thăm Mỹ vào đầu tuần tới. Chuyến thăm đầu tiên của ông Al-Abadi trên cương vị Thủ tướng Iraq nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ trong cuộc chiến đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS). Nhiều quan chức Iraq cho biết, nước này có thể quay sang Iran hay các nước khác nếu không nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ Washington.
Thủ tướng Al-Abadi đang đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc chiến đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo cũng như một nền kinh tế yếu kém do giá dầu sụt giảm. Chính phủ Iraq dự kiến thâm hụt ngân sách của nước này khoảng 21 tỉ USD trong năm nay.
Thăm Mỹ lần đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Iraq, ông Al-Abadi sẽ có cuộc gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama, tìm kiếm sự hỗ trợ các loại vũ khí tối tân bao gồm máy bay không người lái cho cuộc chiến chống IS.
Theo các quan chức Iraq, việc đối phó với IS không phải là vấn đề của riêng Iraq, vì chủ nghĩa cực đoan sẽ không loại trừ bất cứ nước nào. Ngoại trưởng Iraq Ibrahim Al Jaafari nhấn mạnh: “Cuộc chiến chống IS không chỉ có sự tham gia của 62 nước mà còn toàn bộ thế giới. Họ đến Iraq để chống các tay súng IS. Đây là một mối đe dọa chung mà chúng ta đang phải đối mặt. Vì vậy, cần thiết phải có sự đoàn kết cùng sự hợp tác những nỗ lực để đối phó với mối nguy hiểm này”.
Tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Obama cho phép tiến hành các cuộc không kích đầu tiên nhằm vào Iraq kể từ khi Mỹ rút quân năm 2011. Với sự hỗ trợ của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu, chính phủ Iraq đang giành được những bước tiến đáng kể trong cuộc chiến chống IS.
Với đà chiến thắng hiện nay, lực lượng an ninh Iraq đang tiếp tục phát động một chiến dịch mới nhằm vào thành trì của IS ở Mosul. Bất chấp những kết quả đạt được trong cuộc chiến chống IS, Tổng thống Obama vẫn giới hạn vai trò quân sự của Mỹ trong cuộc chiến trên bộ tại Iraq.
Quốc gia Trung Đông này đang phải thừa kế một di sản của chủ nghĩa bè phái, với sự xung đột giữa các cộng đồng người Sunni và Shiite. Nhiều quan chức Mỹ cho rằng, việc ông Al-Abadi lên nắm quyền là một dấu hiệu tích cực đối với Iraq, nhưng Mỹ vẫn lo ngại những biến động chính trị có thể ảnh hưởng đến cuộc chiến chung chống IS.
Trước sự do dự hỗ trợ của Mỹ tại Iraq, các quan chức Iraq gần đây để ngỏ khả năng quay sang hợp tác với Iran hay các nước khác, nếu không nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ Washington. Tuy vậy, các quan chức Iraq vẫn nhấn mạnh, đây không phải là lựa chọn đầu tiên vì Thủ tướng An Al-Abadi muốn là một đối tác tin cậy của Mỹ.
Trước những tuyên bố được coi là “ tối hậu thư” này của Iraq, người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ cho biết, Mỹ cam kết cung cấp các trang thiết bị cần thiết cho lực lượng an ninh Iraq, bao gồm cả lực lượng người Kurd. Mỹ sẽ tiếp tục tham vấn ý kiến của các nhà lãnh đạo Iraq để đảm bảo những đóng góp cần thiết cho Iraq trong cuộc chiến chống IS./.