Ngày 4/11, chỉ vài ngày trước khi Tehran nối lại đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân nhiều tranh cãi của nước này, Đại sứ của Iran tại Liên Hợp Quốc đã có tuyên bố cho rằng, vũ khí hạt nhân là mối đe dọa lớn nhất đối với loài người.

mohammed_khazaee-1.jpg
Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc, Mohammad Khazaee (Ảnh: Reuters)

Trong một cuộc họp với Ủy ban giải trừ quân bị của Đại hội đồng, ông Mohammad Khazaee, Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc nói: “Loại trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân là cách duy nhất chống lại hiểm họa khôn lường của thứ vũ khí vô nhân đạo này”.

Tổng thống mới đắc cử của Iran, ông Hassan Rowhani là người theo đường lối ôn hòa. Từ khi lên lãnh đạo nước Cộng hòa Hồi giáo này, ông Rowhani đã mang đến sự hồi sinh cho các vòng đàm phán tại Geneva nhằm trấn an lo ngại của phương Tây rằng, mục đích thực sự của chương trình hạt nhân Iran không phải chỉ hướng đến các chương trình dân sự đơn thuần.

Trong nhiều năm qua, Iran vẫn luôn khẳng định chương trình hạt nhân của họ là hoàn toàn vì mục đích dân sự, nhưng tuyên bố mạnh mẽ của ông Khazaee đã khiến nhiều người bất ngờ.

Ông Khazaee nói: “Trước khi chúng (vũ khí hạt nhân) tiêu diệt tất cả chúng ta, chúng ta cần phải cùng nhau loại bỏ hoàn toàn thứ vũ khí này… Chúng ta cần phải cùng nhau ngồi lại để đạt được mục đích cuối cùng là một thế giới không có vũ khí hạt nhân trong thời gian sớm nhất”.

Tại cuộc họp, Ủy ban giải trừ quân bị của Đại hội đồng đã thông qua 1 số nghị quyết trong đó có một nghị quyết được phía Nhật Bản đề xuất, đó là “thống nhất hành động hướng tới loại trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân”.

Nghị quyết này lên án mạnh mẽ vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hồi tháng 2/2013 và kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hơn nữa để giảm dần và tiến tới loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Nghị quyết này cũng kêu gọi tất cả các nước cùng ký hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân, khuyến khích thành lập các khu phi hạt nhân. Nghị quyết này cũng kêu gọi Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, ngừng xây dựng các lò phản ứng nước nhẹ.

Nghị quyết trên được Ủy ban giải trừ quân bị của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua với 164 phiếu thuận, 1 phiếu chống và 14 phiếu trắng. Triều Tiên bỏ phiếu chống trong khi Iran, Israel, Syria, Nga, Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ nằm trong số những quốc gia bỏ phiếu trắng.

Với tỷ lệ áp đảo như vậy, nghị quyết này gần như chắc chắn sẽ được 193 thành viên Đại hội đồng chấp thuận thông qua lần cuối cùng trong cuộc họp sẽ diễn ra vào tháng 12 tới đây.

Khác với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, nghị quyết của Đại hội đồng không có tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng những nghị quyết này phản ánh nguyện vọng của dư luận quốc tế và có giá trị về mặt đạo đức.

Một nhà ngoại giao Triều Tiên giấu tên cho rằng, Triều Tiên cũng đồng tình với quan điểm nên loại trừ vũ khí hạt nhân, tiến tới một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng, bất cứ động thái nào của Triều Tiên cũng phải được đáp ứng bằng một hành động tương đương của Hàn Quốc, Triều Tiên sẽ “không đơn phương loại bỏ vũ khí hạt nhân trước”.

Triều Tiên đã nhiều lần tuyên bố họ theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân “nhằm mục đích ngăn chặn các cuộc tấn công của Mỹ và bảo vệ chủ quyền của đất nước”./.