Thủ đô Tehran của Iran đã gỡ bỏ các tấm poster có nội dung chống Mỹ trên các đường phố. Hành động tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt khi một lần nữa cho thấy thiện chí của Iran muốn khép lại những căng thẳng kéo dài suốt 3 thập kỷ qua giữa Iran và phương Tây, đặc biệt là với Mỹ. Nó diễn ra chỉ 2 ngày trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng con tin giữa Iran và Mỹ ngày 4/11/1979.

Theo chính quyền Iran, các Công ty quảng cáo đã không xin phép và treo các poster có nội dung chống Mỹ bất hợp pháp khắp nơi trên các con đường ở thủ đô Tehran kể từ đầu tuần.

Những tấm poster, đều in dòng chữ “Sự chân thật của người Mỹ”, với hình ảnh châm biếm về các nhà đàm phán Mỹ, được dán chỉ vài ngày trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng con tin giữa Mỹ và Iran cách đây 3 thập kỷ.

Khi đó, các sinh viên Iran đã chiếm Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Tehran và bắt 63 người Mỹ làm con tin trong 444 ngày. Hành động này đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng chính trị giữa Mỹ và Iran kéo dài hơn 30 năm nay.

Mối quan hệ giữa hai bên chỉ thực sự được cải thiện thời gian gần đây, kể từ khi Iran có Tổng thống mới, một người theo đường lối ôn hòa. Chính quyền mới của Iran đã thể hiện quyết tâm theo đuổi chính sách ngoại giao mềm mỏng nhằm xoa dịu căng thẳng với Mỹ và phương Tây, trong nỗ lực thoát khỏi các lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.

Vòng đàm phán mới đây nhất giữa Iran và nhóm P5+1 diễn ra ngày 15 và 16/10 vừa qua được các bên đánh giá là tích cực. Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến diễn ra trong 2 ngày 7-8/11 tới tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ.

Song một thực tế không thể phủ nhận là dù các cuộc đàm phán được đánh giá là tích cực, nhưng rõ ràng, chỉ thế thôi là chưa đủ để xóa bỏ những hiềm khích kéo dài suốt 3 thập kỷ qua giữa Iran và Mỹ.

hassan-rouhani1.jpg
Tổng thống Iran Rowhani (Ảnh: Reuters)
Theo hãng thông tấn Iran IRNA, dù đã được gỡ xuống, song các poster này thể hiện sự hoài nghi đối với thiện chí của Mỹ và cho rằng, mục tiêu thực sự của người Mỹ trong các cuộc đàm phán là nhằm tấn công Iran, chứ không phải là tìm giải pháp ngoại giao cho những bất đồng về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.

Đây có lẽ cũng không chỉ là mối bận tâm của người dân Iran, mà còn cả chính phủ nước này. Trong mọi tuyên bố của mình, chính phủ Iran đều kêu gọi chính phủ Mỹ thể hiện sự chân thành.

Tổng thống Iran Rowhani nói: “Nếu những hành động mà Mỹ cho là thiện chí được đưa ra trên cơ sở sự tôn trọng lẫn nhau, từ sự bình đẳng và từ bỏ những chương trình bí mật chống lại Iran, thì con đường đi tới sự hợp tác mới được mở ra”.

Sự hoài nghi của người dân và chính phủ Iran là có cơ sở khi mà song song với những tuyên bố cho thấy mong muốn thúc đẩy đàm phán, chính quyền Mỹ vẫn đang xem xét việc gia tăng các lệnh trừng phạt với Iran. Nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ vẫn rất nghi ngờ Iran và ủng hộ việc áp đặt các đòn trừng phạt cứng rắn hơn đối với nước Cộng hòa Hồi giáo.

Trong một phát biểu mới đây, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Amano cũng tỏ ra thận trọng về các cuộc đàm phán, đồng thời thúc giục các bên thể hiện sự nghiêm túc.

Rõ ràng, để các cuộc đàm phán đạt kết quả, xây dựng lòng tin là điều quan trọng nhất. Có lòng tin các bên mới có thể ngồi vào bàn đàm phán với tâm thế thoải mái nhất và mới có thể cùng nhau đi tới sự đồng thuận. Nhưng chặng đường này xem ra vẫn còn nhiều chông gai và cần quyết tâm của tất cả các bên./.