Tuy nhiên, vòng đàm phán cuối cùng trước thời hạn này đã khép lại vào hôm qua mà không đạt được thỏa thuận cuối cùng. Các bên nhất trí kéo dài thời gian đàm phán đến giữa tháng 11 tới do còn nhiều bất đồng. Các cường quốc đã có phản ứng về việc kéo dài thời hạn chót này.  

Diễn ra từ ngày 12/7 tại thủ đô Viên, nước Áo, vòng đàm phán này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi thời hạn chót vào 20/7 là thời điểm kết thúc 6 tháng thực hiện thỏa thuận hạt nhân sơ bộ trước khi đạt được một thỏa thuận toàn diện chương trình hạt nhân Iran.

zarif_vmdp.jpgNgoại trưởng Iran Zarif (Ảnh Times of Israel)

Tuy không đạt được một thỏa thuận mới mang tính toàn diện nhưng Iran và Nhóm P5+1 vào ngày cuối cùng đã nhất trí kéo dài thời gian đàm phán thêm 4 tháng.

Trong tuyên bố chung mới nhất với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đưa ra ngày 19/7, Đại diện cấp cao của Liên minh Châu Âu (EU) phụ trách chính sách đối ngoại Catherine Ashton cho biết: “Trong khi chúng ta đã đạt được tiến triển về một số vấn đề và đã tích cực làm việc về kế hoạch hành động chung, thì giữa hai bên còn một số bất đồng lớn cần thêm thời gian và nỗ lực. Chúng tôi quyết định kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp trong kế hoạch hành động chung đến ngày 24/11 tới”.

Theo bà Ashton, Iran và các nước phương Tây đã thu hẹp được khoảng cách trong một số vấn đề như lò phản ứng Arak và tăng cường hoạt động thanh sát của Liên hợp quốc. Mặc dù vậy, thực tế hai bên vẫn còn tồn tại những khác biệt lớn cần được thảo luận cụ thể trong thời gian sớm nhất để có thể đạt được thỏa thuận toàn diện.

Phản ứng ngay sau khi các bên nhất trí kéo dài thời gian đàm phán, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, việc đàm phán đạt được những tiến triển nhất định cũng như triển vọng thành công của tiến trình này đã giúp các bên nhất trí kéo dài thời hạn chót.

Thông báo của Nhà Trắng tỏ ra lạc quan khi cho rằng việc gia hạn đàm phán sẽ giúp các bên đạt được thỏa thuận toàn diện. Tuy nhiên, phía Mỹ cũng một lần nữa khẳng định sẽ không chấp nhận bất cứ thỏa thuận nào không đáp ứng các mục tiêu mà Mỹ đề ra.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier thì cho rằng thời hạn chót vào tháng 11 tới đối với vấn đề hạt nhân Iran có thể là cơ hội cuối cùng cho một giải pháp hòa bình trong dài hạn. Ông Steinmeier kêu gọi Iran sẵn sàng “xua tan mọi mối nghi ngờ” về tham vọng hạt nhân của mình.

Về phản ứng của Nga, Bộ Ngoại giao nước này trong một tuyên bố đưa ra hôm qua hoan nghênh việc kéo dài thời gian đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1, cho rằng các bên đã đạt được “tiến triển đáng ghi nhận” trong việc soạn thảo văn bản thỏa thuận cuối cùng.

Theo những điều khoản mới đạt được trong vòng đàm phán thứ 6 này, trong 4 tháng gia hạn, Mỹ sẽ giải ngân 2,8 tỷ USD từ các nguồn tiền của Iran đang bị phong tỏa.

Đổi lại, Iran tiếp tục đình chỉ một phần hoạt động hạt nhân và thực thi thêm các biện pháp khác, trong đó có việc chuyển urani đã được làm giàu thành nhiên liệu cho các lò phản ứng.

Tuy nhiên, phía Mỹ khẳng định, Iran vẫn không được tiếp cận phần lớn các khoản tiền đang bị phong tỏa và Mỹ vẫn duy trì hầu hết các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này.

Tranh cãi lớn nhất vẫn tồn tại là chương trình làm giàu urani của Tehran. Iran lập luận rằng, họ cần tiếp tục mở rộng quy mô làm giàu urani làm nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân.

Tuy nhiên, nhóm P5+1, nhất là Mỹ, lo ngại Iran có thể lợi dụng làm giàu urani để hướng tới sản xuất các nguyên liệu chế tạo bom hạt nhân. Mỹ muốn cắt giảm mạnh việc làm giàu urani ít nhất 20 năm trong khi Iran lại muốn mở rộng làm giàu ít nhất thêm một thập kỷ.

Một vấn đề tranh cãi nữa là trong khi Iran muốn mọi hạn chế với chương trình hạt nhân của nước này phải được dỡ bỏ sau từ 3 đến 7 năm, tuy nhiên phía Mỹ lại muốn duy trì các biện pháp hạn chế có thể kiểm chứng được này trong hơn 10 năm.

Cụ thể, Ngoại trưởng Iran đề xuất nước này sẽ hoãn chương trình làm giàu urani cấp độ công nghiệp trong 7 năm và sẽ giữ lại 19.000 máy ly tâm để phục vụ cho hoạt động công nghiệp. Thế nhưng, Mỹ lại cho rằng, việc duy trì số máy ly tâm như vậy là quá nhiều và Mỹ đưa ra con số là không quá 2.000 máy.

Tiến trình đàm phán để đi đến thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran một lần nữa đã lỗi hẹn thời hạn chót. Những tranh kéo kéo dài hàng chục năm qua giữa Iran và phương Tây chủ yếu do sự nghi kỵ và thiếu tin tưởng lẫn nhau.

Phương Tây nghi ngờ Iran theo đuổi mục tiêu chế tạo vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc một chương trình hạt nhân dân sự. Trong khi đó, Iran phủ nhận các cáo buộc này, đồng thời khẳng định việc duy trì quyền phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình./.