Ngày 3/2, Ngoại trưởng Iran Javad Mohammad Zarif cho biết, thỏa thuận cuối cùng với nhóm P5+1 (gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) về chương trình hạt nhân của Tehran là hoàn toàn khả thi trong vòng 6 tháng tới, cũng là khoảng thời gian thực hiện thỏa thuận tạm thời vừa đạt được cuối năm 2013.
iran1-1.jpg
Một vòng đàm phán về chương trình hạt nhân Iran giữa đại diện của nước này với nhóm P5+1 (Ảnh: PressTV)

Tuyên bố này cho thấy Iran đang nhen nhóm một thỏa thuận lâu dài với nhóm P5+1 tại cuộc đàm phán ở Vienna, thủ đô nước Áo, vào ngày 18/2 tới.

Ngoại trưởng Iran Zarif nhấn mạnh rằng, thỏa thuận cuối cùng với nhóm P5+1 về chương trình hạt nhân của Iran chỉ có thể thực hiện được nếu P5+1 có thêm các hành động thiện chí đối với Iran.

Reuters dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Iran Javad Zarif trước Hội đồng đối ngoại Đức hôm 3/2, cho biết: “Tôi tin rằng điều này hoàn toàn khả thi. Tôi cho rằng chúng ta có thiện trí về mặt chính trị cần thiết và tôi đảm bảo điều này từ góc độ của Iran. Chúng tôi không nỗ lực trong một thời gian dài chỉ để đạt được một thỏa thuận 6 tháng”.

Ông Zarif nói thêm: “Chúng tôi làm điều này vì muốn thay đổi bản chất quan hệ của Iran với cộng đồng quốc tế. Đó là điều chúng tôi có thể làm được. Tôi có thể cam kết rằng với sự giúp đỡ hợp tác của  P5+1, chúng ta có thể đạt được thỏa thuận lâu dài trong vòng 6 tháng”.

Theo Reuters, ông Zarif cũng tuyên bố không hề lo lắng trước việc Quốc hội Mỹ đang xem xét dự luật về các lệnh trừng phạt mới đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này. Mặc dù vậy, Iran cảnh báo, nếu các dự luật này được thông qua, nước này sẽ rời khỏi bàn đàm phán hạt nhân, một động thái có thể làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Trung Đông vốn bất ổn.

Hiện dự luật về các lệnh trừng phạt mới đối với Iran vẫn bế tắc ở Thượng viện Mỹ. Tuy nhiên, trong thông điệp liên bang tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã bác bỏ mọi nguy cơ đe dọa đến đàm phán với Iran, bao gồm các dự luật áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Tehran.

Trong khi đó, một thành viên khác trong P5+1 là Pháp cũng đang có những động thái tích cực nhằm tạo bầu không khí thuận lợi cho tiến trình đàm phán sắp tới với Iran.

Ngày 3/2, Pháp đã cử phái đoàn thương mại cấp cao nhất đến Tehran kể từ sau Cách mạng Hồi giáo 1979 đến nay, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran đang được nới lỏng theo thỏa thuận hạt nhân tạm thời hồi cuối năm ngoái. Phái đoàn gồm 100 quan chức, trong đó có quan chức hiệp hội lao động, quốc phòng, hàng không, hóa dầu, sản xuất ô tô, tàu biển và mỹ phẩm của Pháp như Safran, Airbus, Total, Peugeot, Renault, Alcatel, Alstom, L'Oréal, v.v…

Phái đoàn đến thăm Iran từ ngày 2 đến ngày 5/2 và sẽ có các cuộc tiếp xúc với Phòng thương mại, công nghiệp, mỏ và nông nghiệp của Iran. Chánh văn phòng của Tổng thống Iran, Hassan Rowhani, ông Mohammad Nahavandian đã hoan nghênh động thái này của Pháp.

Reuters dẫn lời ông Nahavandian: “Bối cảnh đặc biệt hiện nay đang tạo một bầu không khí mới thúc đẩy hợp tác dựa trên quyền và lợi ích chung. Điều này có thể đặt ra một con đường hoàn toàn mới trước mắt chúng ta. Trong cả lĩnh vực hạt nhân lẫn kinh tế, nguyên tắc của chúng ta là quyền và lợi ích chung. Chúng tôi coi hợp tác kinh tế là sự đảm bảo cho hợp tác và nhất trí về mặt chính trị”.

Bản thân các công ty của Pháp cũng không muốn bỏ qua cơ hội nhanh chân trở lại thị trường giàu tiềm năng dầu lửa và khí đốt này, đặc biệt trong bối cảnh chưa bao giờ có nhiều tín hiệu khả quan về một thỏa thuận hạt nhân lâu dài như hiện nay.

Nguồn tin ngoại giao cho biết, rất nhiều công ty trong số này từng có quan hệ thương mại với Iran và đang muốn khôi phục lại thị trường giàu tiềm năng này. Tuy nhiên, Đại sứ quán Pháp tại Tehran cho biết, chuyến thăm chỉ mang tính thăm dò thị trường và sẽ không có thỏa thuận thương mại nào được ký tại thời điểm này.

Các nhà quan sát nhận định, trong tương lai gần, cơ hội kinh doanh tại Iran còn bị hạn chế nhưng tiềm năng của thị trường này sẽ ngày càng lớn khi đàm phán hạt nhân có thêm những tín hiệu tích cực./.