Tổng thống Iran Hassan Rowhani ngày 23/1 cho biết, nước này sẽ sớm bình thường hóa quan hệ với Liên minh châu Âu sau khi thỏa thuận hạt nhân tạm thời bắt đầu được triển khai tuần trước. Bên cạnh đó, Iran cũng đang đưa quan hệ với Mỹ sang một giai đoạn mới, trong đó ông Rowhani kêu gọi Mỹ cần có những hành động cụ thể để thúc đẩy tiến trình hội nhập mang tính xây dựng của nước Cộng hòa Hồi giáo này với thế giới.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ, Tổng thống Rowhani cho biết, quan điểm trung lập vẫn là chiếc chìa khóa cho nhiệm kỳ của ông, đồng thời cam kết sẽ theo đuổi chính sách ngoại giao “thận trọng và ôn hòa” nhằm vực dậy nền kinh tế của Iran. 

iran.jpg
Tổng thống Iran Hassan Rowhani (Ảnh: Getty)

Ông Rowhani cũng bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế với các nước trên thế giới khi những lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây được nới lỏng theo thỏa thuận hạt nhân tạm thời mà các bên đạt được hồi tháng 11/2013, trong đó có việc gỡ bỏ phong tỏa khối tài sản 4,2 tỷ USD của Iran ở nước ngoài.

Ông Rowhani cho rằng, với những thuận lợi đang có, Iran có tiềm năng trở thành 1 trong 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới trong vòng 30 năm tới. Phát biểu trước diễn đàn quy tụ 2.500 đại biểu từ gần 100 nước trên thế giới, Tổng thống Iran nhấn mạnh: “Quan điểm của tôi đối với các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị chỉ có một, đó là sự ôn hòa. Đây là bài học tôi rút ra từ đạo lý của người Hồi giáo và luôn áp dụng vào cuộc sống của mình. Cũng dựa trên điều này mà tôi quyết định tranh cử Tổng thống và áp dụng đạo lý ôn hòa vào chính sách quốc gia, khu vực và các vấn đề toàn cầu một cách thận trọng. Thận trọng là tính cách đặc trưng của người Iran và là cơ sở thành công của chúng tôi.”

Bài phát biểu của Tổng thống Iran Rowhani tại Diễn đàn kinh tế thế giới lần này đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều đại biểu từ các nước trên thế giới.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Hồi giáo và Trung Đông (CSIME), ông Ahmad Iravani nhận định: “Nó đã bao gồm tất cả từ vấn đề sắc tộc đến đạo đức, về sự đoàn kết của thế giới chống lại bạo lực và chủ nghĩa khủng bố. Ông ấy thể hiện sự quyết tâm của người Iran không theo đuổi việc chế tạo vũ khí hạt nhân và sẵn sàng mở rộng vòng tay với mọi người.”

Tuy nhiên, thực tế phần lớn các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Iran vẫn đang có hiệu lực, Washington cũng nhấn mạnh rằng các công ty của phương Tây không nên xem Iran là “thị trường mở cho doanh nghiệp”./.