Giải pháp này cũng được đặc biệt khuyến khích trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tăng cao cũng như tình trạng giao thông tắc nghẽn tại thủ đô Jakarta.
Thủ đô Jakarta đang khuyến khích việc sử dụng xe đạp thông qua việc thúc đẩy kế hoạch xây dựng làn đường mới dành cho xe đạp, hướng tới mục tiêu tăng lên 250 km làn đường dành cho xe đạp trong năm nay, sau khi đại dịch COVID-19 cản trở quá trình đẩy nhanh tiến độ. Chính quyền thành phố cũng hi vọng có thể sớm hoàn thành 500 km làn đường dành cho xe đạp ở Jakarta trong thời gian tới. Không chỉ giúp giảm ùn tắc giao thông, cải thiện môi trường và sức khỏe, việc đạp xe cũng được khuyến khích trong bối cảnh cơn bão giá nhiên liệu trên toàn cầu.
Trưởng Ban điều hành Liên đoàn đua xe đạp Indonesia (PB ISSI) Listyo Sigit Prabowo kêu gọi người dân tăng cường văn hóa đạp xe: “Chúng ta cần phải tiếp tục khuyến khích ngày càng có nhiều cộng đồng đi xe đạp và văn hóa xe đạp được phổ biến trong người dân. Khi nhiên liệu trở nên đắt đỏ, đạp xe có thể trở thành một giải pháp thay thế để đi làm hoặc đi những nơi khác”.
Ngoài việc thúc đẩy xây dựng cộng đồng và văn hóa đạp xe, một trong những biện pháp Liên đoàn đua xe đạp Indonesia đang đẩy mạnh đó là tích hợp tuyến đường dành riêng cho xe đạp trong các điểm đến du lịch. Điều này không chỉ giúp hấp dẫn khách du lịch, những người có sở thích đi xe đạp, mà còn thu hút đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực sản xuất xe đạp, mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế địa phương.
Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cũng nhấn mạnh mục tiêu biến Jakarta trở thành phố thân thiện với môi trường: “Jakarta cũng đang phải đối mặt với tác động của ấm nóng toàn cầu mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm không khí. Đạp xe cũng là một trong các giải pháp để giảm ô nhiễm không khí”.
Chính quyền thành phố cũng đang đẩy nhanh kế hoạch triển khai xe bus điện TransJakarta, với mục tiêu đến cuối năm 2030, các phương tiện giao thông công cộng ở Jakarta sẽ là xe điện. Trong 4 năm qua, chính quyền thành phố xây dựng và cải tạo hơn 100 công viên để tạo môi trường trong lành cho người dân.
Theo ông Baswedan, việc xây dựng và cải tạo các công viên sẽ làm giảm ô nhiễm và tăng chất lượng không khí, với mục tiêu hướng Jakarta trở thành thành phố lành mạnh và thân thiện với môi trường./.