Bộ trưởng Tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani cho biết, ngân sách quốc gia của Indonesia hiện nay tập trung xử lí đại dịch toàn cầu. Trong đó, ngân sách cho việc di dời thủ đô cũng được huy động. Theo Bộ trưởng Sri Mulyani, Indonesia sẽ không có ngân sách cho việc di chuyển thủ đô cho đến năm 2021 vì ngay cả khi dịch Covid-19 kết thúc thì ngân sách nhà nước cũng sẽ tập trung vào việc phục hồi kinh tế quốc gia sau đại dịch.
Hiện nay, ngân sách của Indonesia chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như y tế, an sinh xã hội và kinh tế. Trong khi đó, thủ đô mới cần tập trung phát triển các cơ sở hạ tầng và giao thông. Dự kiến, kế hoạch di dời thủ đô sẽ được thực hiện vào năm 2024.
Hiện nay, chính phủ Indonesia vẫn đang tiếp tục thảo luận về kế hoạch di dời thủ đô. Bộ Kế hoạch và Phát triển Quốc gia Indonesia tuần vừa qua đã tổ chức Đối thoại quốc gia lần thứ 6 với chủ đề "Hướng tới một thủ đô bền vững", trong đó bàn bạc về tiến trình chuẩn bị của chính phủ trong việc hiện thực hóa sự phát triển thủ đô tương lai.
Theo đó, hai quận Penajam Paser Utara và Kutai Karanegara ở tỉnh Đông Kalimantan cũng đang được đưa ra thảo luận để thực hiện quy hoạch phát triển đô thị, phù hợp với điều kiện tự nhiên và nhu cầu trong tương lai. Các chuyên gia tham dự đối thoại nhận định, đặc điểm của đảo Kalimantan là nhiều không gian xanh, do vậy việc xây dựng thủ đô mới cần tính đến việc bảo tồn thiên nhiên, trong đó có việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường.
Theo Phó Giám đốc Phát triển khu vực, Cơ quan hoạch định phát triển quốc gia Indonesia, ông Rudy Soeprihadi Prawiradinata, thủ đô mới cần hướng đến việc có khả năng chống đỡ với thảm hoạ thiên nhiên. Do vậy, việc sử dụng khoa học và công nghệ được ưu tiên trong xây dựng thủ đô mới.
Trước đó, Tổng thống Indonesia đã yêu cầu khởi công xây dựng các cơ sở hạ tầng cơ bản cho thủ đô mới từ giữa năm 2020 và thủ đô mới theo mô hình "Thung lũng silicon của Indonesia" có thể đi vào hoạt động từ năm 2023.
Theo kế hoạch, thủ đô mới của Indonesia mang quy chế tỉnh tự trị và được chia thành 3 khu vực gồm: vùng “lõi” hành chính dành cho các cơ quan chính phủ, khu vực thủ đô và khu vực thủ đô mở rộng.
Thủ đô mới của Indonesia rộng hơn 256.000 héc ta sẽ được bao phủ bởi màu xanh của rừng cây nhiệt đới, phản ánh cảnh quan đặc trưng của Đông Kalimantan. Việc di dời thủ đô Indonesia đến tỉnh miền Đông Kalimantan để giải quyết tình trạng sụt lún, ách tắc giao thông và ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng tại Jakarta./.