Giám đốc Bộ phận Ngăn chặn của Cơ quan chống khủng bố quốc gia Indonesia, ông Ahmad Nurwakhid, ngày 8/7 cho rằng hiện chưa có các quy định cụ thể của chính phủ Indonesia về trách nhiệm giải trình và các biện pháp trừng phạt trong trường hợp có gian lận, biển thủ hoặc sử dụng sai mục đích của các quỹ từ thiện. Do vậy, Bộ Các vấn đề xã hội – cơ quan quản lý hoạt động của các tổ chức từ thiện – cần phối hợp với các bộ ngành liên quan khác tại Indonesia xây dựng những luật lệ mới, lấp đầy những “lỗ hổng” mà các nhóm khủng bố, cực đoan có thể khai thác để gây quỹ tài chính thông qua các tổ chức từ thiện “trá hình”.

Đề nghị của quan chức Cơ quan chống khủng bố quốc gia Indonesia được đưa ra sau khi chính phủ Indonesia quyết định phong tỏa quỹ của Aksi Cepat Tanggap (ACT) – một tổ chức phi chính phủ đang hoạt động ở Indonesia – để điều tra về các cáo buộc rằng tổ chức này gây quỹ cho mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Ít nhất 300 tài khoản ngân hàng của ACT tại 41 tổ chức tài chính đã bị đình chỉ.

ACT được cho là đã sử dụng mạng xã hội để vận động từ thiện thông qua những câu chuyện đau buồn về các nạn nhân thảm họa hoặc người nghèo. Trung tâm Phân tích và Báo cáo Giao dịch Tài chính Indonesia (PPATK) cho biết ACT quản lý quỹ lên tới 1.000 tỷ rupiah mỗi năm. Những người điều hành của tổ chức này bị cho là nhận mức lương gần 17.000 USD/tháng, cao gấp 54 lần mức lương tối thiểu của một người lao động tại Jakarta.Cơ quan chức năng Indonesia đã theo dõi hoạt động của ACT từ năm 2018 khi 19 nhân viên người Indonesia làm việc cho ACT bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ với cáo buộc có quan hệ với các nhóm khủng bố. Những đối tượng này bị điều tra khi chuyển hàng trăm ngàn USD cho các cá nhân, tổ chức liên quan tới các nhóm khủng bố.

Theo ông Ahmad, Cơ quan chống khủng bố quốc gia Indonesia gần đây đã phát hiện một số nhóm cực đoan lợi dụng các tổ chức từ thiện để gây quỹ cho các hoạt động của mình. Cơ quan chống khủng bố quốc gia Indonesia sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan thực thi luật của Indonesia điều tra về xu hướng nguy hiểm này.

Cảnh sát Indonesia năm ngoái cũng đã phát hiện âm mưu gây quỹ của nhóm khủng bố  Jemaah Islamiyah (JI) bằng cách triển khai nhiều hộp từ thiện ở các siêu thị nhỏ tại nhiều khu vực trên khắp lãnh thổ Indonesia. Những người quyên góp không biết tiền sẽ được chuyển lại cho JI – nhóm khủng bố bị cáo buộc gây ra vụ đánh bom đẫm máu tại Bali năm 2002. JI sử dụng số tiền này để tài trợ cho các tay súng ở Syria hoặc mua sắm vũ khí, chất nổ…

Những năm gần đây, Indonesia trở thành nơi sinh sôi những nhóm từ thiện “trá hình” lợi dụng sự hào phóng của người dân. Báo cáo năm 2021 của Quỹ Hỗ trợ Từ thiện (CAF) có trụ sở ở London (Anh) nhận định Indonesia là đất nước hào phóng, rộng lượng nhất thế giới với tỷ lệ hơn 8/10 người dân sẵn sàng quyên góp, hoạt động tình nguyện ở Indonesia cao gấp 3 lần mức trung bình toàn cầu ./.