Theo ông Hidayat Amir, Giám đốc Trung tâm Chính sách Kinh tế Vĩ mô thuộc Cơ quan Chính sách Tài khóa (BKF) thuộc Bộ Tài chính (Kemenkeu), quá trình tiêm chủng có thể diễn ra vào cuối năm nay theo từng giai đoạn. Bộ Y tế nước này đã chuẩn bị về mặt kĩ thuật cho việc tiêm chủng bắt đầu vào cuối năm 2020, đầu năm 2021.
Tổng thống Joko Widodo cũng đã nộp đơn xin sử dụng vaccine khẩn cấp vào cuối năm nay. Hiện nay, chính phủ nước này đã ký cam kết mua 3 triệu liều vaccine Sinovac của Trung Quốc sẽ được gửi theo từng giai đoạn vào tháng 11 và tháng 12 năm 2020. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo rằng hy vọng có vắc xin Covid-19 vào cuối năm nay trở nên rõ ràng hơn sau khi các thử nghiệm lâm sàng từ các công ty dược phẩm Pfizer và BioNtech cho thấy hiệu quả phòng ngừa lên tới 90%.
Trong khi đó, chính phủ tiếp tục làm việc với một số quốc gia để ứng phó với tình trạng suy thoái kinh tế trong nước do Covid-19. Chính phủ Australia, ngày 12/11 đã cung cấp một khoản vay song phương trị giá 1,5 tỷ AUD (1,09 tỷ USD) cho Indonesia để xử lý đại dịch Covid-19 và quản lý tài khóa của đất nước tiếp tục bị suy thoái với mức thâm hụt lên tới 6,34%. Đồng thời, Chính phủ Indonesia cũng đã chuẩn bị ngân sách cho việc phục hồi kinh tế quốc gia trị giá 356.500 tỷ Rupiah vào năm 2021.
Ngoài ra, Giám đốc trung tâm chính sách kinh tế vĩ mô Indonesia cho biết, chính phủ nước này cũng đang tập trung vào việc thực hiện cải cách cơ cấu. Một bước tiến cũng đã được thực hiện sự ra đời của Luật tạo việc làm, dự kiến sẽ đem lại hàng triệu việc làm mới cho người dân và tạo điều kiên thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Indonesia.
Tính đến thời điểm hiện tại, Indonesia vẫn là quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á với hơn 463.000 ca mắc, trong đó có 15.148 trường hợp tử vong./.