Dựa trên kết quả kiểm phiếu sơ bộ từ các tổ chức độc lập, cả Thống đốc Jakarta Joko Widodo và cựu Tư lệnh các lực lượng vũ trang Prabowo Subianto đều tuyên bố giành thắng lợi. Tình hình phức tạp này xuất phát từ kết quả kiểm phiếu sơ bộ khác nhau của ít nhất 10 tổ chức điều tra dư luận xã hội được các hãng truyền thông công bố với những diễn giải và phân tích khác nhau theo quan điểm riêng của từng tờ báo hay hãng truyền hình, vốn bị lôi kéo vào chính trường trong suốt chiến dịch tranh cử.
Rắc rối kiểu này chưa từng xảy ra ở quốc gia “vạn đảo” có dân số đông thứ 4 thế giới. Trong hai cuộc bầu cử trước đây, Tổng thống sắp mãn nhiệm Bambang Yudhoyono đều giành chiến thắng với khoảng cách rõ rệt. Trước những nguy cơ tranh chấp có thể gây bất ổn chính trị, đương kim Tổng thống đương nhiệm Indonesia phải lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế và chưa công bố chiến thắng cho đến khi nhận được kết quả chính thức từ Ủy ban bầu cử.
Ủy ban bầu cử cũng đã phát đi thông báo lưu ý rằng kết quả kiểm phiếu nhanh chỉ mang tính tham khảo, các bên cần chờ đợi kết quả chính thức từ cơ quan này sau hai tuần nữa. Mặc dù chưa có thông tin về những vụ bạo lực lớn nhưng 250.000 sỹ quan cảnh sát đang được đặt trong tình trạng báo động.
Đối với người dân Indonesia, ai thắng cử không quan trọng bằng việc nhà lãnh đạo mới sẽ chèo lái nền kinh tế đất nước như thế nào. Một người dân ở Jakarta nói: “Bất kể ai trong 2 ứng cử viên thắng cử thì đều là sự lựa chọn của người dân. Điều chúng tôi mong đợi là họ có thể cải thiện nền kinh tế, ổn định xã hội, chính trị và chấn hưng nền văn hóa”. Một người dân khác bày tỏ: “Với tôi ai thắng cử đều như nhau. Điều quan trọng là đất nước sẽ thịnh vượng hơn và không còn khó khăn”.
Tuy kết quả bầu cử chưa rõ ràng song thị trường chứng khoán Indonesia liên tục tăng điểm, đạt mức cao nhất kể từ tháng 5 năm ngoái. Đồng rupiah cũng tăng so với đồng USD bởi giới đầu tư tin rằng, Thống đốc Joko Widodo (người được xem là đại diện cho tầng lớp bình dân và có nhiều kinh nghiệm về cải cách kinh tế) sẽ giành thắng lợi. Đối thủ Prabowo Subianto có chủ trương tăng cường vai trò quản lý của nhà nước đối với nền kinh tế không được lòng giới đầu tư, kinh doanh như ông Joko Widodo.
Chiều 10/7, Ngân hàng Trung ương Indonesia tổ chức cuộc họp về chính sách tiền tệ theo định kỳ hàng tháng và dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản. Một số nhà đầu tư cho rằng, Indonesia vẫn là điểm đến đầu tư dài hạn hấp dẫn bất chấp những rắc rối hiện nay.
Ông Winston Sual, Giám đốc Quỹ Quản lý tài sản Panin cho biết không quá lo ngại về tranh chấp bầu cử và vẫn tăng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Indonesia. Còn theo ông Ari Pitoyo, Giám đốc đầu tư thuộc Quỹ đầu tư Eastspring Indonesia, công ty này sẵn sàng đầu tư vào thị trường tài chính Indonesia bất kể ai thắng cử.
Tuy thị trường tài chính khá lạc quan song theo các chuyên gia, dù ai ngồi vào chiếc ghế Tổng thống Indonesia thì đều phải đối mặt với thách thức của Indonesia là ổn định về kinh tế và hàn gắn sự chia rẽ sâu sắc về chính trị. Những diễn biến hiện nay cũng khiến dư luận lo ngại về nguy cơ bất ổn bởi người ta chưa thể quên những vụ bạo lực làm hàng trăm người chết khi cựu Tổng thống Suharto bị lật đổ năm 1998 sau 30 năm cầm quyền./.