Liên minh châu Âu (EU) hy vọng các nhà hoạch định chính sách của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) sẽ đóng góp thêm tiền cho Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm giải quyết những thách thức của nền kinh tế toàn cầu… Đây là tuyên bố do các Bộ trưởng Tài chính EU đưa ra hôm 31/3 trong cuộc họp tại Copenhaghen, Đan Mạch, sau khi châu Âu quyết định tăng cường khả năng hoạt động của quĩ cứu trợ trong khối.

IMF đang tìm cách tăng cường quĩ cứu trợ tài chính nhằm giúp các nước đối phó với hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng tiền chung châu Âu. Theo đó, IMF yêu cầu các nước thành viên đóng góp thêm 600 tỉ USD vào nguồn lực của quĩ cứu trợ. Tuy nhiên, hầu hết các nước G20 đều cho rằng, trước khi bơm tiền vào IMF, thì khu vực đồng euro cần phải tự tăng nguồn vốn của chính khối này để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ. Đáp lại yêu cầu này, các Bộ trưởng Tài chính từ 17 nước khu vực đồng tiền chung châu Âu đã quyết định tăng trần cho vay kết hợp từ 2 quỹ cứu trợ tài chính từ 500 tỉ euro lên 700 tỉ euro.

Các Bộ trưởng Tài chính châu Âu cho biết, với quyết định này, khu vực đồng euro đã hoàn thành trách nhiệm của mình, đồng thời nhấn mạnh tăng nguồn vốn cho IMF là cần thiết.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Francois Baroin nói: “Cần tăng nguồn lực cho IMF bởi chúng ta phải thiết lập một bức tường lửa kép. Châu Âu đã thực hiện trách nhiệm của mình, và chúng tôi ủng hộ việc hợp tác cùng với IMF để bơm thêm tiền cho tổ chức này. Chúng ta sẽ có các cuộc thảo luận về vấn đề này tại phiên họp của G20 vào thời gian tới, song hiện tại tôi cho rằng chúng ta đang đi đúng hướng”.

Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, IMF không thể thay thế cho bức tường lửa của khu vực đồng euro. Trong khi đó, các nước BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) khẳng định sẽ chỉ góp tiền cho IMF nếu như các nước này có được tiếng nói lớn hơn trong thể chế tài chính đa phương. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Vitor Constancio cho biết các nước cần phải củng cố nguồn vốn của IMF, không phải chỉ vì nền kinh tế châu Âu, mà vì nền kinh tế của cả thế giới: “Đây không phải là một quĩ đặc biệt của riêng châu Âu. Chúng ta đều phải công nhận rằng, quĩ này là để hỗ trợ cho nền kinh tế toàn cầu. IMF cần phải được cấp thêm vốn để có thể hoàn thành vai trò của mình ở bất kỳ đâu trên thế giới, và trong những trường hợp khẩn cấp”.

Ngày thứ 2 của cuộc họp tại Copenhaghen, các Bộ trưởng cũng thảo luận về việc vấn đề cải cách các thể chế tài chính, đánh thuế trên các giao dịch tài chính và cải cách các cơ quan xếp hạng tín dụng, tuy nhiên không có thỏa thuận nào được đưa ra./.