Tại Trung Á, IAEA đã triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ việc khắc phục môi trường cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi hệ quả của việc khai thác uranium từ những năm 1990, đây là mối đe dọa tiềm tàng đối với sức khỏe của người dân địa phương và môi trường. Ở châu Phi, hợp tác giữa EU và IAEA đã cho phép triển khai các dự án nhằm tăng cường hơn nữa mức độ an toàn của các lò phản ứng, đồng thời nghiên cứu và quản lý chất thải phóng xạ hiệu quả hơn.
Tại cuộc họp bên lề hội nghị, hai bên đã thống nhất mở rộng các thỏa thuận hợp tác năm 2013 về quản lý an toàn chất thải phóng xạ, các thỏa thuận quy định, rà soát và đánh giá an toàn, chuẩn bị và ứng phó khẩn cấp, xử lý môi trường, phát triển và áp dụng các tiêu chuẩn an toàn của IAEA.
Bà Lydie Evrard - Phó Tổng Giám đốc kiêm Trưởng Ban An toàn và An ninh Hạt nhân IAEA nhấn mạnh nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của EU, IAEA đã đáp ứng đa số các yêu cầu từ các quốc gia thành viên qua đó tiếp tục có những đánh giá các nội dung hiện tại phù hợp với thực tiễn theo các tiêu chuẩn an toàn của IAEA. Các bước tiếp theo ở một số quốc gia mà IAEA thực hiện sẽ góp phần cải thiện an toàn hạt nhân toàn cầu.
Về phía Ủy ban châu Âu, ông Massimo Garribba - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng của Ủy ban Châu Âu hoan nghênh các giá trị đạt được của thỏa thuận mới và mong muốn các hợp tác sẽ phát triển ngày càng sâu rộng, hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực an toàn hạt nhân.
Một trong những nhiệm vụ của IAEA là đánh giá các hoạt động an ninh và an toàn hạt nhân ở các quốc gia trong đó có sự hỗ trợ quan trọng của EU trong việc hỗ trợ phát triển các dịch vụ đánh giá này như Dịch vụ Rà soát Quy định Tích hợp (IRRS) và Dịch vụ Đánh giá Tích hợp về Quản lý, Khai thác và Xử lý Nhiên liệu phóng xạ và hoạt động chi tiêu (ARTEMIS). Qua đó, những đánh giá này đã cho phép các nước EU tuân thủ các nghĩa vụ của họ theo yêu cầu về chất thải và an toàn hạt nhân của EU./.