Ngày 27/11, các Bộ trưởng Tài chính Eurozone và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đạt thỏa thuận về giảm tỷ lệ nợ công tính theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho Hy Lạp.

bo-truong-tai-chinh-hy-lap-.jpg
Bộ trưởng Tài chính Hi Lạp Yannis Stournaras và Tổng giám đốc IMF (ảnh: Reuters)

Quyết định này sẽ giúp khai thông bế tắc trong việc giải ngân khoản cứu trợ cần thiết từ Liên minh châu Âu (EU) và IMF nhằm giúp Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ trong vài ngày tới. Thị trường châu Á và châu Âu ngay lập tức có phản ứng tích cực sau thông tin này.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi đã chính thức xác nhận thỏa thuận mới sau cuộc đàm phán căng thẳng kéo dài 12 giờ và cũng là cuộc họp thứ ba trong vòng 2 tuần về chủ đề giảm tỷ lệ nợ công cho Hy Lạp. Các Bộ trưởng cũng nhất trí giải ngân ba phần cứu trợ tiếp theo trị giá 43,7 tỷ Euro trong gói cứu trợ mà EU và IMF đã nhất trí dành cho Hy Lạp. Tuy nhiên, thỏa thuận mới buộc Hy Lạp phải giảm nợ công xuống 124% GDP vào năm 2020.

Ông Draghi cho rằng, thỏa thuận này chắc chắn sẽ giúp giảm tình trạng bất ổn và củng cố lòng tin trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu nói chung và Hy Lạp nói riêng. Thỏa thuận cũng là bước đi tiến tới việc giải ngân khoản cứu trợ tối cần thiết cho Hy Lạp, vốn bị trì hoãn từ tháng 6 vừa qua do bất đồng giữa các bên liên quan về một số vấn đề, chủ yếu về việc giảm tỷ lệ nợ công của Hy Lạp. Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng Tài chính châu Âu Jean-Claude Juncker đánh giá: “Tôi rất hài lòng khi hôm nay chúng tôi đạt được một thỏa thuận chính trị về khoản giải ngân tiếp theo cho Hy Lạp. Tôi xin khẳng định lại rằng đây không chỉ là vấn đề tiền bạc mà còn là một cam kết cho tương lai tốt hơn của người dân Hy Lạp nói riêng và toàn bộ khu vực đồng Euro nói chung. Đây là một thỏa thuận khó khăn, đòi hỏi những nỗ lực của tất cả các bên liên quan”.

Mặc dù đã được khu vực tư nhân trong nước xóa nợ hồi đầu năm nay, Hy Lạp hiện vẫn là quốc gia nợ nần nhiều nhất trong Khu vực đồng Euro. Nếu không có số tiền cứu trợ này, Athens sẽ không có tiền tái cấp vốn cho các ngân hàng gặp khó khăn, trả lương, lương hưu và các khoản trợ cấp khác trong tháng 12 tới. Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yannis Stournaras ngay lập tức hoan nghênh thỏa thuận này và cho rằng: “Thỏa thuận sẽ giúp Hy Lạp tiếp tục ở lại khu vực đồng Euro, tránh được tình trạng vỡ nợ. Bây giờ Hy Lạp cũng có thời gian để xem xét một cách tích cực hơn về sự phát triển và cách thức thực hiện những biện pháp khó khăn mà chúng tôi vừa đưa ra”.

Thị trường thế giới cũng ngay lập tức có phản ứng tích cực trước thông tin về Hy Lạp. Thị trường chứng khoán tại khu vực đồng Euro tăng cao nhất trong tháng, trong khi thị trường chứng khoán châu Á tăng ngày thứ 7 liên tiếp do các nhà đầu tư dỡ bỏ được mối lo ngại về nguy cơ vỡ nợ có thể xảy ra với Hy Lạp./.