Sau nhiều bất đồng liên quan đến các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ Hy Lạp, cuối cùng, chính phủ Hy Lạp và nhóm “Bộ ba” tham gia cứu trợ nước này gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 17/10 cũng đã tìm được tiếng nói chung trong hầu hết các vấn đề.
Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras (ảnh: ibtimes.co.uk) |
Đây được xem là tín hiệu tích cực giúp xứ sở “Thần thoại” thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ, không phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu mà còn tránh để “hiệu ứng Domino” Hy Lạp lan sang các quốc gia khác trong khu vực.
Giới chức Hy Lạp cho biết, hai bên đã giải quyết xong bất đồng về tốc độ suy thoái kinh tế ở Hy Lạp trong năm tới. Theo đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hy Lạp được cho là sẽ giảm 4,2% trong năm 2013, so với mức 3,8% và 5% do Hy Lạp và nhóm “Bộ ba” dự báo ban đầu.
Hầu hết những vấn đề liên quan gói cắt giảm chi tiêu cũng đã được giải quyết, ngoại trừ bất đồng về sử dụng tên nhãn hoặc thuốc giá rẻ. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa khỏa lấp được bất đồng về cải cách thị trường lao động, vấn đề vốn đã gây chia rẽ trong liên minh cầm quyền ba đảng của Hy Lạp từ nhiều tháng nay. Lãnh đạo Hy Lạp tỏ ý tin tưởng sẽ sớm khai thông bế tắc này.
Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras nói: “Tôi tin tưởng là chúng tôi có thể làm tất cả những gì có thể để nền kinh tế Hy Lạp sớm hồi phục trở lại. Đây là một yếu tố rất quan trọng. Liên minh chính phủ cầm quyền tại Hy Lạp hiện nay đang cố gắng xây dựng một chính phủ ổn định tại Hy Lạp. Vì vậy, chúng tôi rất tin tưởng về khả năng hồi phục của nền kinh tế”.
Chính phủ Hy Lạp và các ngân hàng tồn tại được là nhờ các khoản vay nợ quốc tế. Song nếu từ bỏ đồng Euro, quốc gia này sẽ bị buộc phải đứng ngoài thị trường cho vay nợ. Như vậy, Ngân hàng Trung ương Hy Lạp phải in thêm tiền để bù cho các khoản vay mất đi. Điều này khiến Chính phủ Hy Lạp phải phá sản do nợ công, gây thiệt hại trực tiếp cho Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và các ngân hàng khác - vốn đang là chủ nợ lớn của Hy Lạp.
Một khi khủng hoảng toàn diện nổ ra, chấn động của nó lập tức sẽ lan sang bên kia bờ Đại Tây Dương qua những mạng lưới dày đặc hợp đồng, các khoản cho vay và những giao dịch tài chính khác giữa ngân hàng Châu Âu và Mỹ.
Trong cuộc khủng hoảng, nó sẽ dẫn đến dòng thác bán tháo lan tràn từ thị trường này sang thị trường khác. Phát biểu tại hội nghị đảng xã hội châu Âu hôm 17/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso đã nhấn mạnh đến khía cạnh này: “Chính vì cuộc khủng hoảng nợ công xảy ra ở châu Âu nên nhiều người có xu hướng nói rằng vấn đề là do châu Âu gây ra. Đây không phải là sự thật. Vấn đề thực chất nằm ở các khoản nợ công không bền vững của lĩnh vực công và những cách hành xử tài chính trong các lĩnh vực tư nhân. Đó chính là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu hiện nay”.
Theo các nhà quan sát, để tránh xảy ra đợt rối loạn mới trên thị trường có nguy cơ ảnh hưởng đến các nền kinh tế lớn hơn như Tây Ban Nha và Italy, Liên minh châu Âu nhiều khả năng sẽ giải ngân phần cứu trợ trị giá hơn 31 tỷ Euro trong gói cứu trợ thứ hai mà EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã nhất trí dành cho Hy Lạp, nếu không Hy Lạp sẽ khó có thể thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ và buộc phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu vào tháng 1/2013./.