Hôm qua, Mỹ, Nga, Iran và 14 nước tham gia Hội nghị quốc tế mở rộng về Syria tại thủ đô Vienna, Áo đã kêu gọi về một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc tại Syria và nối lại cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc làm trung gian giữa chính quyền Syria và phe đối lập cũng như tiến hành các cuộc bầu cử mới.

hoi_dam_syria_daxw.jpg
Các bên tham gia vào Hội nghị về Syria, hôm 30/10. Ảnh: AP.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị ở Vienna, các bên tham gia khẳng định "những bất đồng lớn vẫn tồn tại", song nhất trí "cần phải đẩy nhanh các nỗ lực ngoại giao để chấm dứt cuộc chiến" ở Syria. 

Theo tuyên bố chung, các nước tham gia đàm phán đề nghị Liên Hợp Quốc tập hợp đại diện của chính quyền Syria và phe đối lập nhằm khởi động "một tiến trình chính trị dẫn đến một chính quyền đáng tin cậy, đa đại diện, phi giáo phái, sau đó là một sau đó là một bản hiến pháp mới và các cuộc bầu cử".

Phát biểu tại buổi họp báo sau hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, ông cùng 2 người đồng cấp của Iran và Nga đã "thừa nhận sự bất đồng" liên quan đến số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Theo ông Kerry, Mỹ tiếp tục tin rằng việc ông Assad từ bỏ quyền lực sẽ góp phần mở đường cho một thỏa thuận nhằm chấm dứt nội chiến tại Syria và giúp đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Ông Kerry nhấn mạnh:  “Ngoại trưởng Nga Lavrov, Ngoại trưởng Iran Zarif, tôi và các ngoại trưởng khác đã có những quan điểm khác nhau về vị trí của ông Assad. Tôi tin rằng, người dân Syria xứng đáng để có những lựa chọn cho mình. Nhưng chúng tôi xác định, các bên cần tìm ra những khả năng ngoại giao và tìm ra một giải pháp nhằm chấm dứt đổ máu”.

Ngoại trưởng Nga Lavrov thì cho rằng, các bên đã đàm phán về việc giải quyết cuộc nội chiến Syria, thảo luận về lệnh ngừng bắn nhưng chưa đưa ra thời gian cụ thể.

Ông nói với báo giới:  “Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề ngừng bắn song song với vấn đề chính trị. Các bên đã đạt được sự đồng thuận rằng lệnh ngừng bắn tại Syria với sự tham gia của các bên trừ các tổ chức khủng bố sẽ được tổ chức với sự tham vấn của Liên Hợp Quốc”.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng cho biết, đàm phán không đạt được bước đột phá nào và các bên cũng không đặt nhiều kỳ vọng cho hội nghị lần này. Theo ông Steinmeier, đàm phán sẽ được nối lại trong 2 tuần tới để thảo luận việc thiết lập chính phủ chuyển tiếp, tiến hành những cuộc bầu cử mới và thực thi các lệnh ngừng bắn toàn quốc hay khu vực nhằm chấm dứt nội chiến ở Syria.

Trước khi hội nghị diễn ra, giới phân tích cũng đã nhận định, khả năng cuộc họp đạt được kết quả mang tính quyết định là rất khó do sự khác biệt quan điểm giữa các bên quá lớn. Tuy nhiên, cuộc họp vẫn được ghi nhận là một bước tiến khi tập hợp đến bàn đàm phán các bên có quan điểm đối lập nhau; trong đó Iran (đồng minh thân cận của chính quyền Tổng thống Assad), lần đầu tiên được mời tham dự Hội nghị./.