G20 là cơ chế mới được thành lập để khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, điều cốt yếu của cơ chế này chính là bảo vệ thương mại tự do, thúc đẩy sự phối hợp chính sách giữa các nước thành viên, gồm 20 nền kinh tế đại diện cho 2/3 dân số thế giới, tạo ra hơn 90% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả thế giới. Là diễn đàn cấp cao nhất về kinh tế toàn cầu, hội nghị thượng đỉnh G20 lần này tại Osaka có thể thúc đẩy trở lại thương mại tự do hay không là điều dư luận quan tâm chờ đợi.

Chương trình nghị sự dày đặc

Sau phiên khai mạc, phiên họp toàn thể đầu tiên sẽ diễn ra với chủ đề: Kinh tế toàn cầu, thương mại và đầu tư, buổi chiều sẽ diễn ra phiên thứ 2 với chủ đề: Đổi mới và sáng tạo. Bước sang  ngày làm việc ngày mai 29/6 trong phiên họp thứ 3 và thứ 4, hội nghị sẽ thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững và biến đổi khí hậu, năng lượng…

g_20_nhat_ban_bwjo.jpg
G-20 ở Nhật Bản. Ảnh: G-20.

Như vậy, các nội dung thảo luận chính tại Hội nghị G20 sẽ tập trung vào kinh tế toàn cầu, tự do thương mại trong bối cảnh toàn cầu hóa, kinh tế số, hợp tác bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, biến đổi khí hậu, vấn đề việc làm, phụ nữ, y tế…

Cụ thể, hội nghị cũng sẽ đi sâu vào thảo luận về vấn đề mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, bàn cách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và giải quyết các điều khoản trợ cấp bóp méo thị trường. Đồng thời cũng đề cập tới biện pháp ngăn chặn hành vi trốn thuế của các công ty đa quốc gia như Google, Apple, Facebook và Amazon, hiệu quả các dự án cơ sở hạ tầng tại các quốc gia đang phát triển…

Đương nhiên một số vấn đề quốc tế quan trọng như hạt nhân của Triều Tiên, căng thẳng giữa Mỹ và Iran trong vấn đề hạt nhân cũng là một phần của chương trình nghị sự. Có thể nói chương trình dày đặc với những vấn đề quan trọng và sống còn liên quan tới hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Tăng cường gặp song phương để thống nhất các vấn đề chung

Hội nghị cũng sẽ là cơ hội cho các cuộc gặp song phương giữa Nhật Bản và các quốc gia, tổ chức tham gia hội nghị, giữa các quốc gia tham gia hội nghị với nhau.

Xen kẽ chương trình nghị sự, Thủ tướng Nhật Bản sẽ có tiếp xúc song phương với hầu hết các quốc gia, tổ chức. Nhưng đáng chú ý nhất đó là cuộc gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Putin.

Tối ngày 26/6, Thủ tướng Abe đã gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại đây, hai bên đã thảo luận về tiến trình phi hạt nhân hóa trên báo đảo Triều Tiên, công dân Nhật Bản bị bắt cóc. Bên cạnh đó, hai bên cũng thảo luận về hợp tác thương mại hai nước trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang có diễn biến phức tạp. Liên quan đến xung đột thương mại Mỹ-Trung, Thủ tướng Abe hy vọng vấn đề sẽ được giải quyết mang tính xây dựng thông qua đối thoại.

Sáng 28/6, Thủ tướng Abe có kế hoạch hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Riêng cuộc gặp với Nga dự kiến tiến hành vào ngày 29/6, Nhật Bản mong muốn đàm phán cởi mở để có thể thực hiện các cuộc thương lượng, hướng tới ký kết Hiệp ước hòa bình giữa hai nước.

Một cuộc gặp song phương được dư luận chú ý đó là cuộc gặp Nhật-Hàn. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại cuộc gặp này vẫn chưa có thông tin gì và nhiều khả năng sẽ không xảy ra.

Lý do chính là hai nước đang căng thẳng vụ việc Hàn Quốc yêu cầu công ty Nhật Bản đền bù cho 27 nạn nhân được cho là bị cưỡng ép lao động thời chiến hiện còn sống và gia đình của những nạn nhân khác đã qua đời. Tuy phía Nhật Bản chưa có ý kiến gì về cuộc gặp này, song phía Hàn Quốc bật đèn xanh rằng mặc dù Nhật Bản chưa chuẩn bị cho cuộc gặp, nhưng nếu phía Nhật Bản yêu cầu đối với phía Hàn Quốc thì hội đàm vẫn có khả năng được diễn ra. Cuộc gặp này sẽ khó có thể diễn ra ngay cả vào thời gian cuối của hội nghị.

Một cuộc gặp song phương nữa sẽ tập trung sự chú ý của dư luận đó là cuộc gặp Mỹ-Trung. Đây là cuộc gặp có lẽ nóng hơn cả. Nội dung chính sẽ là vấn đề thương mại giữa hai nước. Với cá nhân tôi, cuộc gặp này sẽ không đưa ra kết quả khả quan nào có thể giảm đối đầu hai bên trong vấn đề thuế-mấu chốt của căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung gần đây.

Như vậy, những cuộc gặp song phương trước hay trong thời gian diễn ra hội nghị có thể tác động rất lớn đến thỏa thuận chung của các quốc gia tham gia liên quan đến vấn đề chung của khu vực và thế giới như đã nói ở trên.

Khó cân bằng lợi ích chung và lợi ích riêng

Trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm Hội nghị G20, Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng trong sự biến đổi nhanh chóng do toàn cầu hóa, sự bất an và bất mãn đang phát sinh giữa từng nước với nhau. Vì vậy, cộng đồng quốc tế phải đoàn kết, hướng tới những chủ đề quan trọng, đưa ra được những thông điệp đủ mạnh để giải quyết các vấn đề toàn cầu như tự do hóa thương mại, kinh tế số, môi trường…và nhiều vấn đề khác.

Tuy vậy, hội nghị G20 diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung đang căng thẳng có nguy cơ ảnh hưởng tới hoạt động thương mại toàn cầu. Do vậy, hội nghị G20 có những tác động lớn nào hay đưa ra được những giải pháp gì để có thể làm dịu căng thẳng xung đột thương mại Mỹ-Trung hướng tự do thương mại thế giới đi vào quỹ đạo ổn định là một điều không hề dễ dàng. Bởi có thể hai nước sẽ có lập trường rằng đó là vấn đề riêng của hai nước, các bên không có quyền can thiệp.

Với Pháp, nước này rất quan tâm tới vấn đề biến đổi khí hậu. Tổng thống Pháp còn tỏ rỏ ý rằng nếu hội nghị không bàn về chủ đề này, ông có thể không ký vào tuyên bố chung.

Rõ ràng, sự đồng thuận để có một tuyên bố chung chưa hẳn đã có thể đáp ứng kỳ vọng của dư luận ở những vấn đề riêng rẽ. Tuyên bố chung sẽ đáp ứng được một số vấn đề cần có sự hợp tác của các bên. Nhưng những chủ đề liên quan đến xã hội, vai trò phụ nữ cũng như hợp tác trong bảo vệ môi trường sẽ dễ dàng được thực hiện hơn những chủ đề khác.

Tuy vậy, hội nghị G20 vẫn là diễn đàn quốc tế quan trọng để các nước phát triển và các quốc gia mới nổi có thể chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác giúp các quốc gia, khu vực còn chưa phát triển trong vấn đề phát triển kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là sự công bằng trong thương mại./.