Hôm 23/11, Hội nghị hượng đỉnh 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bước sang ngày làm việc thứ 2 tại thủ đô Brussels (Bỉ).

Hội nghị tập trung thảo luận về dự thảo ngân sách giai đoạn 2014-2020, trong bối cảnh hầu hết các nước thành viên đang phải tiến hành các chính sách thắt chặt chi tiêu do khủng hoảng nợ công. Trong ngày họp đầu tiên, các nhà lãnh đạo EU đã có nhiều bất đồng về dự thảo này.

thu-tuong-duc-22.jpg
Thủ tướng Đức Angela Merkel trả lời báo chí (ảnh: AP)

Theo kế hoạch, hôm nay (23/11), Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Herman Van Rompuy - đệ trình dự thảo Khuôn khổ tài chính giai đoạn 2014-2020 của Liên minh châu Âu (EU) với ngân sách 950 tỷ Euro, giảm 80 tỷ Euro so với đề xuất trước đó của Ủy ban châu Âu. Theo đó, phần cắt giảm sẽ liên quan đến hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt với chính sách nông nghiệp chung của EU. Tuy nhiên, sau ngày họp đầu tiên, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu bày tỏ lo ngại về khả năng đạt được đồng thuận về dự thảo ngân sách nêu trên, do khó có thể dung hòa lợi ích của cả 27 quốc gia thành viên.

Phát biểu với báo chí sau khi kết thúc ngày họp đầu tiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết: “Hiện nay, đã có một đề xuất mới về vấn đề ngân sách của EU. Các chuyên gia cũng đã có những đánh giá về đề xuất mới này. Sau hội nghị này, hy vọng chúng ta sẽ thu hẹp được bất đồng. Mặc dù hy vọng chúng ta có thể đạt tiến triển trong cuộc thảo luận lần này, nhưng tôi chưa tin tưởng nhiều vào kết quả mà chúng ta có thể đạt được”.

Tổng thống Pháp Francois Hollade cũng cho rằng, các nhà lãnh đạo EU phải trải qua các cuộc đàm phán khó khăn nhằm đạt được thỏa thuận về ngân sách của khối trong 7 năm tới. Ông nói: “Lần này, lãnh đạo các nước EU bước vào cuộc thảo luận đầy khó khăn bởi các nước thành viên đều có những yêu cầu của họ đối với đề xuất của Chủ tịch Hội đồng châu Âu. Chúng tôi mong muốn một sự thỏa hiệp, vì lợi ích của cả EU cũng như vì lợi ích của nước Pháp”.

Tổng thống Pháp vẫn giữ quan điểm duy trì chính sách trợ cấp nông nghiệp hiện nay của EU, đồng thời hy vọng hội nghị tiếp tục thảo luận về vấn đề viện trợ trực tiếp, hay viện trợ phát triển cho khu vực nông thôn và quỹ chung của EU. Pháp và Ba Lan hiện nay là hai nước được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách nông nghiệp chung của EU.

Hiện nay, các nước thành viên tiếp tục bất đồng về các thể chế của Liên minh châu Âu về dự thảo ngân sách chung. Ủy ban châu Âu cho rằng, muốn thoát khỏi khủng hoảng và tiến tới phát triển bền vững thì phải duy trì đầu tư cho tăng trưởng và việc làm, còn Pháp lại phản đối quyết liệt việc cắt giảm chi tiêu cho chính sách nông nghiệp chung. Trong khi các nước Đông Âu muốn duy trì sự trợ giúp cho các nước kém phát triển nhất của EU, ngược lại, Anh đề xuất giảm khoảng 200 tỷ Euro còn Đức yêu cầu giảm 130 tỷ Euro.

Chiếm 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU, ngân sách chung khối này tương đối nhỏ so với tổng chi tiêu công của châu Âu, nhưng các cuộc đàm phán về vấn đề này luôn gây ra bất đồng do nước nào cũng muốn tìm cách tối đa hóa lợi ích của mình./.